Việc hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng triển khai xây dựng đã giúp sản lượng tiêu thụ xi măng tăng đáng kể trong 5 tháng đầu năm 2022.

Xi măng được ví von là “bánh mì” của ngành xây dựng, là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Điều đó có nghĩa là khi đầu tư xây dựng tăng, đầu tư công tăng thì sản lượng tiêu thụ xi măng cũng tăng và ngược lại.

Hưởng lợi từ các dự án hạ tầng

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), từ đầu năm đến nay, giá xi măng trong nước đã tăng 2 lần. Lần đầu, các doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán hồi cuối tháng 3, với mức tăng phổ biến là 100.000 đồng/tấn. Tương tự, lần điều chỉnh gần nhất trong tháng 5, với mức tăng bình quân từ 40.000-80.000 đồng/tấn.

Bất chấp giá bán tăng mạnh, sản lượng tiêu thụ xi măng từ tháng 3 đến nay đang phục hồi mạnh nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công và đẩy mạnh kênh xuất khẩu.

Dự án hạ tầng, bất động sản kéo tiêu thụ xi măng tăng vọt

Trong tháng 5 vừa qua, sản lượng tiêu thụ xi măng của toàn ngành kể cả xuất khẩu ước đạt gần 9,3 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước gần 6 triệu tấn và xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn.

Theo VNCA, tiêu thụ xi măng thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế. Nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này, nên sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước tăng đáng kể, ước tiêu thụ nội địa 5 tháng đầu năm đạt gần 27 triệu tấn, cộng với hơn 17 triệu tấn xuất khẩu, nâng tổng sản lượng tiêu thụ xi măng khoảng 44 triệu tấn.

Dự báo thời gian tới, tiêu thụ xi măng thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế và nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng. Mặt khác, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu khi các nhà sản xuất xi măng lớn trên thế giới đặc biệt là Trung Quốc cắt giảm công suất.

Trước đó, Chứng khoán VNDirect nhận định đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản sôi động là động lực tăng trưởng chính cho nhu cầu xi măng nội địa giai đoạn 2022-2023. Cụ thể, VNDirect cho biết sản lượng tiêu thụ xi măng trong năm nay có thể đạt 66,5 - 69,8 triệu tấn, tăng 5-6% so với cùng kỳ năm trước.

VNDirect cho rằng việc giải ngân vốn năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với mức thực tế năm 2021 nhờ nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua. Bên cạnh đó, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hồi phục nhanh chóng trong thời gian tới nhờ sự hồi phục của thị trường du lịch Việt Nam.

Trong năm nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính. Các nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.

Cũng trong năm 2022, Chính phủ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam…

Tồn kho xi măng không đáng kể

Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ xi măng khoảng 44 triệu tấn

Theo ước tính của VNCA, lượng tồn kho sản phẩm xi măng của cả nước trong 5 tháng năm 2022 khoảng 4,7 triệu tấn, tương đương khoảng 20-25 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker (nguyên liệu để sản xuất, nghiền thành xi măng).

Tuy nhiên, lượng tồn kho của ngành xi măng kể trên không gây ra nhiều trở ngại đối với các doanh nghiệp xi măng. Nguyên nhân là phần lớn lượng hàng tồn kho dưới dạng clinker nên có thể lưu kho lâu hơn, không như dạng xi măng, tồn kho loại này cần phải bán ngay trong vòng 2-3 tháng.

Hiện ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn, mặt khác quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn. Việc dư cung xảy ra đặc biệt tại khu vực miền Bắc và ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của xi măng Việt Nam.

Toàn ngành xi măng hiện có tới 41/87 dây chuyền sản xuất có công suất dưới 1 triệu tấn/năm, chiếm 21% tổng sản lượng toàn ngành. Theo ước tính, quy mô tối thiểu để một nhà máy xi măng đạt được hiệu quả kinh tế là 2 triệu tấn/năm và mỗi doanh nghiệp phải có công suất tối thiểu 5-10 triệu tấn/năm để đảm bảo hiệu quả trong dài hạn thông qua việc tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào như than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng có đà tăng giá rất mạnh.

Trước tình hình giá xi măng liên tục tăng trong thời gian gần đây, bên cạnh việc hưởng lợi từ thị trường xây dựng, các doanh nghiệp cần chủ động đẩy mạnh tiêu thụ, phát triển thương hiệu cũng như tìm kiếm mở rộng thị trường để đảm bảo lợi nhuận, ổn định sản xuất.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.