13/12/2023 8:24 PM
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định các nhóm ngành có thể hưởng lợi nhờ thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc gồm hàng không, cao su, sợi dệt, khu công nghiệp và thủy sản.

Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 và lớn nhất trong khu vực ASEAN của Trung Quốc, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 6 trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với vốn lũy kế đạt 26 tỷ USD.

9 tháng đầu năm, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều thứ hai vào Việt Nam với hơn 2,9 tỷ USD (đứng đầu là Singapore với gần 4 tỷ USD). Các quốc gia khác cũng có mức đầu tư lớn là Nhật Bản 2,9 tỷ USD, Hàn Quốc 2,7 tỷ USD và Mỹ với 0,5 tỷ USD.

Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-Covid từ đầu năm 2023 đã nhận được nhiều kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi trở lại sau khi GDP ghi nhận mức tăng GDP thấp thứ hai trong vòng 20 năm với chỉ 3% cho năm 2022.

Nửa đầu năm 2023, GDP của Trung Quốc đạt 59.303 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm phân tích MASVN cho rằng phía Trung Quốc sẽ thực hiện được kế hoạch tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 5%.

Trái với tình trạng lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát khi mức giá tiêu dùng tại Trung Quốc không có sự thay đổi trong tháng 9 và tiếp tục đi ngang ở vùng thấp nhất trong 10 năm.

Hiện Trung Quốc đang thực hiện đồng thời nhiều gói kích thích kinh tế trong năm 2023 để tiếp tục phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Về xuất nhập khẩu, nước láng giềng vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 57,7 tỷ USD trong năm 2022 chỉ xếp sau Mỹ với 109 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2008, khi Việt Nam và Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện thì giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần trong 14 năm vừa qua.

Điện thoại, máy vi tính và linh kiện luôn dẫn đầu về tổng giá trị xuất sang Trung Quốc (năm 2022, đạt 11,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu máy vi tính và linh kiện và 16,3 tỷ USD về điện thoại và linh kiện). Theo sau, các nhóm ngành về nông sản và dệt may cũng chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu.

Mirae Asset nhận định có 5 nhóm ngành, cổ phiếu hưởng lợi nhờ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước gồm hàng không, cao su, sợi dệt, khu công nghiệp và thủy sản.

Trong 9 tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9 triệu lượt và riêng khách Trung Quốc đạt hơn 1,1 triệu lượt. Điều này cho thấy khách Trung Quốc đang dần hồi phục. Bên canh đó, Trung Quốc dự kiến sẽ có thêm 1 hãng bay tới Việt Nam giúp cho lượng khách sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, đất nước tỷ dân vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 156.340 tấn (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước), trị giá 202,44 triệu USD (giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước).

Tại lĩnh vực sợi dệt, tổng kim ngạch xuất khẩu sợi dệt của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 3,7% tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 2,1 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu mảng này mang về hơn 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với 6 tháng đầu năm.

Đối với lĩnh vực khu công nghiệp, Trung Quốc luôn là quốc gia đứng đầu trong lượng vốn đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2020 là 2,46 tỷ USD và năm 2021 là 2,92 tỷ USD. Trong đó, năm 2022 đạt 2,5 tỷ USD chiếm hơn 9% tổng lượng vốn đăng ký. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung quốc là quốc gia đầu tư nhiều thứ 2 vào Việt Nam với hơn 2,9 tỷ USD.

Cuối cùng, năm 2022, sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD chiếm 22.7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 672 triệu USD chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm này.

9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra phi lê đạt 290 triệu USD (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước) chiếm gần 67% tổng tỷ trọng. Tuy nhiên với kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc dần hồi phục vào cuối năm sẽ giúp cho sản lượng tiêu thụ mặt hàng này dần được cải thiện.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.