Lãi suất không còn là vấn đề
Cho đến nay lãi suất đã không còn là khó khăn nhất đối với DN khi tiếp cận vốn mà nguy cơ nợ xấu có thể tăng đột biến trở đang trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của DN và cả ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch Công ty chế biến thủy sản Nam Hải (Cần Thơ), cho biết cái khó đối với nhà xuất khẩu thủy sản hiện không phải là lãi suất mà nằm ở đầu ra của thị trường. Hiện các ngân hàng đang chào mời rất nhiều chương trình tín dụng với lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, những người sản xuất thực sẽ không ai vay vốn nếu không nhìn thấy cơ hội kinh doanh hiệu quả. Hơn nữa, vay vốn nhiều mà không đầu tư sản xuất được thì những nguy cơ cho tiền nhiều, vay vốn dễ như thời gian qua sẽ lặp lại.
Trong khi đó, ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Cần Thơ cho biết, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của DN rất nhiều khá cao. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là câu chuyện tài sản thế chấp. Rất nhiều DN tài sản đã thế chấp cho các khoản vay cũ, nay các các ngân hàng kêu gọi các DN trả nợ cũ để cho vay mới với lãi suất thấp hơn nhưng DN không còn tiền để trả nợ ngân hàng.
Ông Hùng cho rằng, khi DN chưa xử lý hết các khoản nợ cũ, thì sắp tới đây các quy định về cơ cấu lại nợ sẽ hết hiệu lực, rất nhiều khoản nợ lại rơi vào tình trạng xấu, thành lực cản khiến ngân hàng không thể cho vay thêm khi các tiêu chuẩn tài chính của DN xấu đi.
Lãnh đạo một DN thủy sản ở An Giang cho biết, với việc tái cơ cấu các khoản nợ đã giúp DN và ngân hàng gỡ được một khối nợ xấu, tạo thêm điều kiện và nguồn vốn để cho vay và DN cũng được tháo gỡ để thoát khỏi các khoản nợ xấu, để đủ điều kiện vay vốn mới. Tuy nhiên, đến tháng 6 này, khi các quy định về cơ cấu lại nợ hết hạn, thì nhiều khoản vay sẽ lại roi vào nợ xấu và điều này sẽ làm khó cả ngân hàng và DN.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Gạch Đồng Tâm - Long An cho rằng, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ đãgiúp hệ thống ngân hàng cơ cấu lại nợ mạnh mẽ cho DN. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế vẫn còn rất ảm đạm, sản phẩm của DN làm ra không bán được, thì những quy định có hiệu lực từ 1/6 tới đây về phân loại nợ, xếp hạng tín dụng có thể sẽ đẩy nhiều DN vào thảm cảnh, vì không được tiếp tục được vay vốn và bị xử lý khoản nợ".
Ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, theo phản ánh của các NHTM, đến thời điểm ngày 1/6/2013, khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN có hiệu lực, nợ được cơ cấu của DN sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Khi đó, NHTM sẽ phải xử lý nợ xấu bằng cách bán, đấu giá tài sản thế chấp của DN. Điều này sẽ khiến các DN càng khó khăn hơn và có thể đi đến phá sản.
Vì thế, theo ông Lâm, cần gia hạn nợ cho DN bằng cách gia hạn thời hạn hiệu lực của Quyết định 780 hoặc gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 cho NHTM để cứu DN.
Tiếp tục treo
Theo lãnh đạo chi nhánh ngân hàng quốc doanh cho biết, nếu theo tinh thần Thông tư 02 thì kể từ 1/6/2013, toàn bộ khách hàng có nợ gia hạn đều bị chuyển nhóm nợ xấu. Và khi DN đã vướng nợ xấu thì việc vay vốn là không thể mà còn bị áp dụng nhiều biện pháp khác, còn ngân hàng đã bị dính nợ xấu là phải trích lập dự phòng, việc cho vay sẽ bị ảnh hưởng.
Về bản chất, việc cơ cấu lại nợ chỉ là biện pháp tạm thời, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, sức ép nợ xấu gây ách tắc cho DN và ngân hàng. Trong khi đó, không thể phủ nhận những quy định mới theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tiệm cận với nguyên tắc quản trị ngân hàng của Basel II mà quốc tế đang áp dụng để bảo vệ an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ khi ban hành Quyết định 780 thì tổng số nợ mà các ngân hàng cơ cấu lại cho khách hàng khoảng 272 nghìn tỷ đồng, tương ứng 10% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu không có chính sách này, đâu đó có 10% nợ đã thành nợ xấu. Hiện nay, nợ xấu xấp xỉ 5 - 6%, nếu cộng thêm 10% (nếu không áp dụng Quyết định 780) thì tổng nợ xấu sẽ lên tới 15 - 16% tổng dư nợ.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng ngay thông tư để nhận diện đúng hơn về con số thực, bản chất nợ xấu; còn lộ trình áp dụng đối với doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước không hối thúc thực hiện ngay mà sẽ có lộ trình phù hợp. Điều này là để các ngân hàng biết rõ sức khỏe của mình để có giải pháp khắc phục, đồng thời cũng phân biệt rõ giữa tổ chức tốt - xấu để cơ quan quản lý có biện pháp xử lý.
Mặc dù hé lộ việc tiếp tục gián và treo nợ cho DN lãnh đạo NHNN cũng cảnh báo, việc giãn nợ trước đây hay trì hoãn Thông tư 02 chỉ có ý nghĩa tạm thời, các khoản nợ xấu sẽ tạm thời biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và ngân hàng, trong khi thực tế, chúng vẫn là khoản nợ với tất cả tính chất cũ còn tồn tại, Nếu DN và NH không cải thiện được tình hình thì khi hết gia hạn, cơ cấu nợ xấu lai quay về bản chất xấu. Đó thực sự là một nguy cơ treo trên đầu DN và ngân hàng. Bời vì, nếu không xử lý và treo mãi thì đến khi các khoản nợ này vỡ ra thì chính NH và DN lại gánh chịu với hậu quả sẽ nặng nề hơn.