Sau khi sáp nhập một số ngân hàng và đưa 3 ngân hàng vào "rổ" 0 đồng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank). Trong năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục tiến trình tái cơ cấu nhiều ngân hàng khác, nhằm thanh lọc hệ thống, với nguyên tắc bảo đảm ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Sacombank sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả. Ảnh: Hải Anh
Thêm một thương vụ sáp nhập
Sau một thời gian "lùm xùm" thông tin, quyết định chính thức từ phía NHNN sáp nhập PNB vào Sacombank đã giải tỏa lo lắng của nhiều người dân, doanh nghiệp. Trước đó, ngày 1-10-2015, PNB và Sacombank đã thực hiện các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của NHNN.
NHNN cũng cho biết, ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Sacombank và NHNN xin từ nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị. Trên cơ sở đơn đề nghị và thực tiễn quá trình triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa. Tuy nhiên, ông Trầm Bê và cá nhân liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank.
Theo NHNN, việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, gắn với đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015.
Trong tháng 4-2017, Sacombank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, cũng như bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thanh lọc hệ thống
Cùng với việc tái cơ cấu Sacombank, trong năm 2017, NHNN tiếp tục tiến trình tái cơ cấu nhiều ngân hàng khác, nhằm thanh lọc hệ thống, giữ lại những ngân hàng "khỏe", xóa tên những ngân hàng yếu kém, hoặc ngân hàng quá nhỏ không đủ tiềm lực để cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, năm 2017 tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.
Đề án cơ cấu hệ thống gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đang được NHNN hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Đối tượng cơ cấu lại là tất cả các tổ chức tín dụng, trong đó có cả ngân hàng thương mại mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng), với nguyên tắc bảo đảm ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Các nhóm giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được chia theo từng loại hình: Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính; nhóm tổ chức tín dụng nước ngoài...
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của NHNN trong quá trình cơ cấu lại hệ thống là bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, hình thức và biện pháp cơ cấu lại sẽ phù hợp với đặc điểm của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm thận trọng, giữ vững sự ổn định, an toàn cho hệ thống.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, chương trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn mới cần phải dựa trên 4 trụ cột chủ yếu. Một là tập trung xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc các ngân hàng thương mại tự xử lý. NHNN, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại một cách dài hạn.
Thứ hai, xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, ngân hàng mua 0 đồng. Thứ ba, việc tái cơ cấu quản trị và quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế cần phải được tính toán cân nhắc, có lộ trình phù hợp với năng lực tài chính và năng lực quản lý của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay để hạn chế tạo thêm bất ổn cho hệ thống. Thứ tư, duy trì ổn định thanh khoản trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt các chỉ tiêu về an toàn thanh khoản trong cho vay trung, dài hạn, cho vay bất động sản, trạng thái ngoại hối.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định, việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng sẽ gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phát huy vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, dưới 3% tổng dư nợ.
Hà Linh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.