Hình minh họa
Thị trường thay đổi
Sau một năm 2013 khá trầm lắng, hiện nay thị trường BĐS đã có những dấu hiệu tích cực trở lại. Quý I năm 2014, thị trường đã chứng kiến một số tập đoàn tuyên bố các kế hoạch đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, trong đó phải kể đến Sunwah Việt Nam, Rose Rock, Keppel Land... Ông Marc Townsend – TGĐ điều hành CBRE Việt Nam - đã khẳng định: “Số lượng giao dịch của thị trường đã tăng lên trong thời gian gần đây trước bối cảnh kinh tế khá ổn định và lãi suất thị trường đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua”.
Đối tượng khách hàng của BĐS hiện nay cũng có nhiều biến đổi. Nếu như trước đây, phân khúc nhà ở cao cấp và hạng sang phục vụ phần lớn đối tượng mua để kinh doanh, đầu tư thì nay, ở cả 3 phân khúc, đối tượng khách hàng chủ yếu có nhu cầu mua để ở thật và độ tuổi của khách hàng ở cả 3 phân khúc đều đang trẻ hóa, chủ yếu là các cặp vợ chồng mới cưới. Do đó, phương thức tiếp thị cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với đối tượng khách hàng mới.
Theo nghiên cứu của CBRE, các dự án BĐS tại VN trung bình bỏ ra 1-2% tổng mức đầu tư dự án cho quỹ tiếp thị. Con số này nhiều hơn so với chi phí các nước trên thế giới đưa ra, nhưng kết quả đem lại chưa thực sự khả quan. Và trước sự thay đổi từ nhu cầu của khách hàng, CBRE khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội (MXH) để tiết kiệm chi phí và tiếp thị hiệu quả hơn. Đây được coi là phương thức phù hợp cho đối tượng khách hàng trẻ và cả giới kinh doanh khi mà việc sử dụng MXH ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống.
Tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng của việc sử dụng MXH trong tiếp thị, nhưng nhiều nước trên thế giới đã khẳng định sự đón nhận tích cực của khách hàng với phương pháp này. Ở Thái Lan, trong năm 2012, một nhân viên của CBRE đã bán hơn 2.000 căn hộ, và trong năm 2013, khi mà thế giới đồng thanh lên tiếng là khó khăn và có rất nhiều vấn đề thì họ vẫn bán được 1.500 căn và khẳng định đã tận dụng tối đa MXH.
Chủ đầu tư chưa sẵn sàng
Tuy rằng đã thành công ở nhiều nơi trên thế giới, thế nhưng, tại Việt Nam, sử dụng MXH để tiếp thị BĐS vẫn khiến các chủ đầu tư băn khoăn nhiều hơn là đồng tình. Tại buổi hội thảo của CBRE về xu hướng tiếp thị BĐS mới, các chủ đầu tư vẫn đi theo 2 luồng tư tưởng rõ ràng. Một là, các chủ đầu tư ghi nhận xu hướng tiếp thị bằng công nghệ và MXH cũng như sẵn sàng thử phương pháp mới này. Hai là, các chủ đầu tư vẫn bảo vệ ý kiến cho rằng, việc sử dụng đội ngũ bán hàng hùng hậu ở bên ngoài vẫn đem lại cho họ những lợi ích nhất định tại thời điểm hiện tại và họ vẫn muốn duy trì phương pháp này trước khi thay đổi. Và theo CBRE ghi nhận, tư tưởng sẵn sàng thay đổi chiếm phần nhỏ và chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Sở dĩ các chủ đầu tư Việt Nam vẫn còn e ngại trước việc sử dụng các MXH như một công cụ tiếp thị cho dự án BĐS của mình là bởi ở Việt Nam, MXH chưa thật sự là công cụ lành mạnh để các chủ đầu tư có thể đặt niềm tin trọn vẹn. Đằng sau sự tích cực của tính lan truyền nhanh chóng tới đông đảo đối tượng, thì MXH cũng là nơi ghi nhận mọi ý kiến trái chiều. Do đó, các chủ đầu tư cũng lo lắng không thể kiểm soát những thông tin bêu xấu chủ đầu tư cũng như dự án, hay tình trạng “anti chủ đầu tư” do một số người tạo ra. Về phía khách hàng, đứng trước nhiều luồng thông tin khó có thể kiểm chứng như vậy, khách hàng sẽ khó đưa ra quyết định.
Vì vậy, nếu Việt Nam muốn phát triển tiếp thị bằng MXH, thì trước tiên là làm sao phải xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnhnhất. Có như vậy mới kích thích các chủ đầu tư thay đổi, cải tiến phương pháp bán hàng, thúc đẩy thị trường BĐS sôi động hơn.