Khó thu hồi
Từ đầu năm 2013 đến nay, số dự án Nhà nước dự kiến thu hồi không phải nhỏ, nhưng số lượng thực thi được lại rất khiêm tốn. Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc thu hồi các dự án không dễ vì đa phần các chủ đầu tư đều đã triển khai một phần, ít nhất là đã giải phóng mặt bằng.
Nay Nhà nước thu hồi có thể không đủ tiền để hoàn trả cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nếu tài sản đã thế chấp ở ngân hàng còn rắc rối hơn nhiều. Chính vì lý do này ngay cả khi Nhà nước đã có quy định rất mạnh tay khi chỉ cho chủ đầu tư hoãn 1 lần, sau đó sẽ thu hồi không hoàn trả chi phí đầu tư, việc thu hồi cũng không dễ dàng hơn.
“Chúng ta cứ nghĩ rằng đó là cơ chế mạnh, sẽ khiến chủ đầu tư buộc phải triển khai dự án nếu không mất cả chì lẫn chài. Nhưng ở góc độ khác, điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn, thí dụ như gia tăng tham nhũng, khiến môi trường đầu tư trở nên khốc liệt hơn, từ đó việc thu hút đầu tư sẽ khó khăn hơn" - GS. Võ nhận định.
Bên cạnh đó, có không ít dự án được cấp phép vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã phải áp dụng những chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, tiết giảm nguồn cung tín dụng cho thị trường BĐS. Theo quy định của Nghị định 181, đây là một lý do bất khả kháng và không được thu hồi dự án của chủ đầu tư. Ngoài ra, việc chậm trễ trong thu hồi cũng đến từ hàng ngàn lý do khác.
Trong báo cáo mới đây nhất về 170 dự án chậm triển khai trên địa bàn TP, Hà Nội đã phải thừa nhận tại 27 dự án vẫn chưa thể có kết luận thanh tra do một số nguyên nhân khách quan, như chủ đầu tư thay đổi tên, thay đổi địa chỉ liên hệ, nên Sở Tài nguyên - Môi trường cần thời gian kiểm tra, xác minh lại dự án và chủ đầu tư, từ đó mới tiến hành công bố quyết định thanh tra và tiến hành thanh tra theo quy định.
Trả cũng không dám nhận
Bên cạnh việc khó thu hồi các dự án BĐS bỏ hoang hoặc chậm trễ trong triển khai, có một thực tế đáng buồn khác là dù chủ đầu tư tình nguyện trả lại dự án do không thể triển khai, TP cũng rất khó khăn khi tiếp nhận.
Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Nam Cường đã từng gây xôn xao thị trường BĐS khi xin bàn giao lại khu đô thị Quốc Oai cho Hà Nội, với lý do thị trường trầm lắng, doanh nghiệp phải cơ cấu lại danh mục đầu tư cho phù hợp. Khu đô thị Quốc Oai là một trong những dự án đối ứng của dự án Đường trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc - Nam, do Nam Cường làm chủ đầu tư theo hình thức BT.
Số lượng dự án bị bỏ hoang hiện nay rất lớn,
nhưng việc thu hồi đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.Trâm
Trước đó, tập đoàn này cũng đã trả lại TP Hà Nội dự án khu đô thị Thạch Thất. Tương tự Nam Cường, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) xin trả lại dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường BĐS đóng băng.
Đây cũng là dự án đầu tư theo hình thức BT, chủ đầu tư sẽ được nhận 4 dự án đối ứng là khu đô thị Yên Quang 150ha, khu đô thị Trung Minh 130ha, sân golf Trung Minh 36 lỗ tại Hòa Bình và khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600ha tại Hà Nội.
Theo nhiều chuyên gia BĐS, đây là thực tế TP Hà Nội sẽ phải đối mặt thường xuyên trong thời gian tới, bởi thị trường khó khăn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp không còn đủ sức để “kham” cùng lúc nhiều dự án. Thay vì để thành dự án bỏ hoang, chủ đầu tư sẽ xin trả lại cho TP để có thể tái cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy đây là những động thái tốt, nhưng đối với cơ quan chức năng sẽ không khỏi “nhức đầu”.
Nguyên nhân đến từ việc TP không đủ tiền để thanh toán bởi chi phí chủ đầu tư đã thực hiện không phải nhỏ. Bên cạnh đó, việc tìm chủ đầu tư mới có đủ năng lực để thế chỗ vào dự án cũng không phải dễ trong điều kiện hiện nay.