13/10/2011 12:36 AM
Theo Nghị định 69 của Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người mua phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường, dẫn đến giá đất tăng cao

Ngày 12-10 tại TPHCM, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea) đã tổ chức tọa đàm “Chính sách về tiền sử dụng đất (SDĐ) các dự án phát triển bất động sản”. Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia đã đưa ra những khó khăn, bất cập trong việc xác định giá bất động sản theo giá thị trường.


Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, cho rằng theo Nghị định 69 của Chính phủ vừa ban hành, DN cũng như người mua phải đóng tiền SDĐ theo giá thị trường chứ không theo giá đất do UBND TPHCM ban hành. Chủ trương này đã nảy sinh nhiều bất cập vì số tiền SDĐ mà người dân, DN phải đóng quá lớn.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đưa ra một minh chứng để cho thấy rằng cách tính tiền SDĐ là chưa hợp lý. Công ty Địa ốc Đất Lành đầu tư một dự án 10.000 m2 (được phép bán 3.000 m2, còn lại là công trình công cộng. Chi phí bồi thường là 4 triệu đồng/m2, cộng với chi phí đầu tư giao thông, điện nước… thì tổng chi phí là 51 tỉ đồng. Như vậy, giá vốn chỉ khoảng 17 triệu đồng/m2 trên diện tích được phép bán. Nhưng áp dụng cách đóng tiền SDĐ theo giá thị trường, chi phí phải cộng thêm là 15 triệu đồng/m2. Như vậy, phải bán được khoảng 32 triệu đồng/m2 thì dự án mới thu được vốn.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc xác định giá thị trường khó như đi tìm “ẩn số”, phải thuê đơn vị khác thẩm định. Vì vậy, Nhà nước nên ban hành một giá tương đối sát với giá thị trường để áp dụng. Cũng có ý kiến cho rằng DN phát triển dự án từ đất sở hữu Nhà nước thì thu 100% tiền SDĐ theo giá thị trường. Còn đất mà DN khai thác, đầu tư thì Nhà nước chỉ nên thu thuế chuyển mục đích SDĐ, thu tiền SDĐ bằng 10%-25% giá thị trường.

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản- Bộ Tài chính, thừa nhận có thể đề nghị Bộ Tài chính đưa ra hệ số điều chỉnh để UBND TPHCM quyết định áp dụng cho từng khu vực có mức giá chuyển nhượng tương đương nhau. Tuy vậy, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM- XD Lê Thành, lại cho rằng hằng năm, TPHCM mất khá nhiều thời gian, công sức để làm bảng giá đất nhưng tại sao không áp dụng để tính tiền SDĐ mà phải đưa vào một bên thứ ba là DN vào thẩm định giá. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá - Sở Tài chính TPHCM, lại cho rằng bảng giá đất của UBND TPHCM hiện chưa sát với thị trường nên khó áp dụng vào việc tính tiền SDĐ. Trong khi DN thường bán nhà đất theo giá thị trường, vì vậy nếu áp dụng theo bảng giá đất TP ban hành hằng năm thì không công bằng cho Nhà nước.

Ông Cường cho biết sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính để sắp tới đưa ra những quy định hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN bất động sản tại TPHCM.

Theo Sơn Nhung (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.