28/01/2018 10:04 AM
Sự lên xuống thất thường của Bitcoin và nguy cơ lừa đảo, lạm dụng đồng tiền số này khiến nhiều nước chưa mặn mà, siết chặt quản lý, thậm chí là cấm.

Cơn sốt đầu cơ tiền số

Từ cuối tháng 12 năm ngoái đến suốt cả tháng 1 năm nay, đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới Bitcoin dường như đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn. Giá Bitcoin chạm đỉnh ngay trước Giáng sinh 2017 với mức giá áp sát 20.000 USD, nhưng từ đó đến nay đã rơi vào trạng thái ảm đạm, có lúc xuống chỉ còn 9.000 USD/đồng, giảm hơn một nửa chỉ trong vòng một tháng.

Cơn sốt đầu cơ đã tạo "sóng gió" trên thị trường tiền số (Ảnh minh họa: FT)

Bitcoin không phải là đồng duy nhất trượt giá. Một số loại tiền số phổ biến khác như Ripple, Ethereum và Litecoin cũng chịu chung số phận.

Giới quan sát thị trường nhận định, sự bùng nổ của đống tiền số chính là một cơn sốt đầu cơ thường thấy trong thị trường. Sự trượt dốc của Bitcoin trong thời gian vừa rồi xuất phát từ cuộc đối thoại liên quan tới lệnh cấm giao dịch Bitcoin tại Hàn Quốc và sự siết chặt quản lý tiền số ở nhiều quốc gia, trong đó có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc.

Hiện tiền số chưa được thừa nhận là tiền tệ hay là loại phương tiện dự trữ tài sản tương tự như vàng – một loại tiền không được chính phủ hỗ trợ, nhưng vẫn được chấp nhận rộng rãi như một dạng tích luỹ giá trị toàn cầu. Vàng được các ngân hàng trung ương chấp thuận bởi nguồn cung cấp vàng thực sự có hạn và nó có giá trị nội tại.

Đáng chú ý, hồi tháng 11/2017, Bitcoin Gold, một nhánh mới được phân tách của Bitcoin nhằm dân chủ hóa ngành "khai thác mỏ" Bitcoin, đã thất bại trong việc thu hút giới đầu tư khi giá của sản phẩm mới này đang sụt giảm mạnh.

Bitcoin Gold là sản phẩm chia tách lần thứ hai sau khi đợt chia tách trước đó vào tháng 8/2017 đã tạo ra Bitcoin Cash. Ý tưởng cơ bản đằng sau đồng tiền mã hóa này là tạo ra một khối tài sản kỹ thuật số phi tập trung bằng cách mở rộng “khai thác mỏ” trong tầm kiểm soát.

Một số nhà phân tích cho rằng, con đường trước mắt của Bitcoin Gold còn mù mịt vì chưa định hình được chính mình với tư cách là một đồng tiền kỹ thuật số.

Cảnh báo về nguy cơ lừa đảo

Những người tham gia vào thị trường tiền số hy vọng rằng 2018 sẽ là năm có những thay đổi quan trọng khi vạch trần những vụ lừa đảo và hành vi bất hợp pháp trên thị trường.

Tiền số tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh minh họa: KT)

Huyền thoại đầu tư người Mỹ Warren Buffett - một trong những người giàu nhất thế giới hiện nay, từng nói về những hậu quả tiềm ẩn khi thị trường quá phấn khích với một sản phẩm nào đó trong một khoảng thời gian nhất định.

"Bạn sẽ không bao giờ biết được ai đang khoả thân bơi dưới hồ cho đến khi thuỷ triều rút", Warren Buffett cảnh báo.

Trên thực tế, Bitcoin gần đây đã xuất hiện các cáo buộc gian lận và hoạt động đáng ngờ khiến đồng tiền này và một số đồng tiền số tương tự khác phải đối mặt với mức sụt giảm nghiêm trọng trong nhiều tháng qua.

Bitconnect – một nền tảng đầu tư dựa trên blockchain – thông báo sẽ đóng cửa cũng là một trong những cú sốc lớn đối với thị trường tiền số.

Bên cạnh đó, một số cáo buộc đưa ra cho thấy đây là sàn giao dịch cho vay và trao đổi, cung cấp các khoản vay ảo và nhắm đến mục tiêu thu lợi nhuận bằng cách sử dụng các thuật toán giao dịch độc quyền của công ty này.

Mặc dù thị trường đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ, nhưng những dấu hiệu này vẫn báo hiệu bong bóng đầu cơ lớn nhất trong lịch sử hiện đại và là nơi trú ẩn của nhiều hoạt động giao dịch bất hợp pháp.

Tiền số chưa được chấp nhận tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/1/2018, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp và bị nghiêm cấm.

Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, Bộ Tư pháp cũng cho biết sẽ rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo, tiền ảo Bitcoin.

Theo tiến trình của Bộ Tư pháp, dự kiến năm 2020, Bộ sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử.

Bộ Tư pháp cho rằng, giao dịch tiền ảo là ẩn danh, là công cụ của nhiều tội phạm trốn thuế, giao dịch thanh toán. Ngoài ra, tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu rất cao. Bên cạnh đó, giá trị đồng tiền ảo biến động liên tục, rủi ro trong đầu tư rất lớn.

Đây là loại tài sản chưa được cơ quan quản lý Nhà nước nào quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý. Do đó, Bộ Tư pháp khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo cần thận trọng, cân nhắc.

Trần Ngọc (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.