01/09/2014 11:40 AM
Có nhiều chỉ báo kinh tế, xã hội, môi trường mà địa phương có thể dựa vào để đánh giá sự phát triển của địa phương mình mà không cần tính GDP.

“Lâu nay cách tính GDP của nước ta vẫn đúng theo chuẩn mực, đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia, phù hợp với thống kê Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, chúng ta tính GDP các tỉnh, thành phố mà bản thân các địa phương không phải là một nền kinh tế nên bị trùng lắp dẫn tới tình trạng GDP ở địa phương có nơi 8%-10%/năm, thậm chí 15%/năm, trong khi cả nước chỉ 5%-7% năm. Vậy nên không nên tính GDP địa phương nữa” - TS Trần Du Lịch,Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đã đề nghị như vậy.

Dễ trùng lắp, vênh nhau

. Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự trùng lắp khiến chỉ số GDP của cả nước và các tỉnh có sự chênh lệch lớn như vậy?

+ TS Trần Du Lịch: Tính GDP là tính giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối cùng tạo ra trong một năm, là tổng sản phẩm gộp nội địa trên phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thường được thực hiện qua một chuỗi giá trị, nhiều công đoạn và ở nhiều nơi. Chẳng hạn tại các địa phương có cửa khẩu..., mỗi năm xuất khẩu có giá trị rất lớn. Nhưng toàn bộ giá trị đó không phải do tỉnh này làm ra mà từ các địa phương khác nữa. Hay một sản phẩm công nghiệp sản xuất ở địa phương này nhưng lại xuất khẩu ở một địa phương khác nên nếu không khéo dễ bị trùng lắp khi tính GDP. Đó là lý do vì sao dẫn tới sự vênh nhau giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng sản phẩm của các địa phương hay GDP tỉnh…

Theo TS Trần Du Lịch, một sản phẩm công nghiệp sản xuất ở địa phương này nhưng lại xuất khẩu ở một địa phương khác nên dễ bị trùng lắp khi tính GDP. Ảnh minh họa: Hữu Luận

. Giả sử ta bỏ cách tính cũ thì cách tính mới sẽ như thế nào, thưa ông?

+ Tốt nhất nên để một cơ quan duy nhất tính GDP, đó là Tổng cục Thống kê. Họ tính toán và công bố cho 63 tỉnh, thành phố thay vì như hiện nay. Các địa phương sẽ cập nhật số liệu vào cục thống kê địa phương, sau đó Tổng cục Thống kê sẽ sàng lọc để cho ra kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, vẫn có cách tính khác là Tổng cục Thống kê tổng hợp thì cũng có thể phân chia GDP cho từng địa phương sau khi khấu trừ các số liệu. Nhưng cách này mất thời gian nên tốt nhất không nên tính GDP địa phương nữa. Nhưng các địa phương hoàn toàn có thể triển khai kế hoạch phát triển của mình nhờ vào việc tính các chỉ tiêu kinh tế khác.

. Các chỉ tiêu kinh tế mà địa phương tính được, cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Có nhiều chỉ báo kinh tế, xã hội, môi trường mà địa phương có thể dựa vào để đánh giá sự phát triển của địa phương mình mà không cần tính GDP. Ví dụ: Tính giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, cái này tạo bao nhiêu GDP thì không cần biết nhưng từ giá trị sản lượng, chúng ta thấy được sản xuất công nghiệp ở địa phương đi lên hay đi xuống, ngành nghề nào phát triển; nông lâm ngư nghiệp cũng vậy. Thậm chí địa phương có thể có những sản phẩm tiêu biểu; hay đánh giá được năng suất lao động trên địa bàn, khi năng suất tăng thì thu nhập sẽ tăng. Ngoài ra tính thu nhập người dân, về an sinh xã hội, nước sạch, lượng điện tiêu thụ trên đầu người bao nhiêu/tháng, các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, chỉ số ô nhiễm môi trường... Nói chung có thể dựa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội, môi trường đang thực hiện mà không cần gì đến GDP.

Điều tra thu nhập người dân địa phương

. Bỏ cách tính GDP cũ nghĩa là chúng ta sẽ tính thu nhập bình quân trên đầu người khác trước đây?

+ Tôi thấy một số nơi lấy GDP địa phương chia cho dân số ở đó mà gọi là thu nhập đầu người thì oan cho người dân quá. Hai chỉ số trên hoàn toàn khác nhau, chưa nói là số tuyệt đối GDP không đúng. Ngay cả phạm vi quốc gia giữa GDP và GNI (thu nhập quốc dân góp) đã khác nhau rồi. Thực sự khi đọc báo cáo GDP/người của một tỉnh nào đó tôi cũng không hình dung được thu nhập của người dân ở đó như thế nào. Thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể thông qua điều tra thu nhập để tính bình quân đầu người. Phương pháp, hệ thống mẫu điều tra năm năm một lần chúng ta cũng đã từng làm và con số cũng rất chính xác. Từ việc điều tra đó người ta sẽ tính được mức độ chênh lệch, phân hóa giàu nghèo xã hội.

. Ở nước ngoài cách làm thế nào, thưa ông?

+ Hầu như các nước trên thế giới mà tôi biết không ai tính GDP cho tỉnh, thành mà chỉ tính GDP chung cho cả quốc gia. Tuy nhiên, các cơ quan địa phương vẫn chủ động thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế của địa phương họ làm sao để thay đổi bộ mặt của tỉnh… và họ đánh giá được sự phát triển qua các loại thuế địa phương thu được. Quan trọng nhất là dựa vào thuế trực thu trong khi đó chúng ta chỉ căn cứ vào thuế gián thu.

Chẳng hạn, ở nước ta doanh nghiệp đến địa phương kinh doanh, không cần biết lời hay lỗ, chỉ cần đóng thuế VAT thôi là địa phương đó được nhờ rồi. Trong khi VAT là người mua trả chứ doanh nghiệp có đóng đâu. Chẳng hạn, một doanh nghiệp hằng năm tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra là 2.000 tỉ đồng thì địa phương đó thu được 10% VAT, tức 200 tỉ đồng là phấn khởi rồi.

Mặc dù chúng ta tiến hành cải cách thuế hàng chục năm nay nhưng cơ bản nguồn thu ngân sách vẫn dựa vào thuế gián thu nên xét về mặt xã hội thì bất công, xét về nguồn tài nguyên ngân sách thì thiếu bền vững.

. Xin cảm ơn ông.

Yên Trang (VTV CT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.