“Đã đến lúc chúng ta tin tưởng hơn dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn các năm 2014 và 2015 sẽ tốt hơn nhiều so với những năm vừa qua. Lạm phát tôi nghĩ là kiềm chế được, một bộ phận doanh nghiệp sẽ vươn lên được và các thị trường sẽ ấm lên”, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết.

Ông đánh giá ra sao về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong năm 2013?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Thực sự khi đánh giá về FDI nếu xét về phương diện phát triển trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây thì có thể nói FDI là khu vực bám trụ tốt, tăng trưởng tốt.

Nhưng bên cạnh việc FDI đứng vững thì nền kinh tế trong nước lại bộc lộ vấn đề khác. Đó là việc nền kinh tế trong hai năm vừa qua tăng trưởng với hai tốc độ: Một tốc độ khá tốt của lĩnh vực FDI và một tốc độ không mấy tốt của khu vực trong nước.

Do đó sắp tới chúng ta cần phải tính toán, nếu như chỉ có FDI phát triển tốt mà khu vực kinh tế trong nước trì trệ, khó khăn thì rõ ràng đó là một vấn đề.

Có nghĩa là đến lúc chúng ta phải lựa chọn làm sao để FDI có tác động lan tỏa tốt hơn cho phát triển kinh tế trong nước, giảm dần FDI sử dụng nhiều lao động và chỉ làm gia công.

Song song với đó, Việt Nam cần có chính sách để FDI đi vào lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Thế còn tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, ông có ý kiến gì?

Tôi cho rằng nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thời gian qua là rất lớn bởi vì hệ quả bất ổn hệ thống ngân hàng thương mại đã kéo dài nhiều năm.

Có những vấn đề không chỉ giải quyết trong một hai năm như vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, nguồn nhân lực, đạo đức kinh doanh trong hệ thống…

Tóm lại, tôi nghĩ là phải có thêm thời gian.

Vừa qua quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước vừa để đạt mục đích vừa không gây đổ vỡ tôi cho rằng cách làm là phù hợp và với sự quyết tâm từ tháng 6 năm nay áp dụng Thông tư 02 về vấn đề chuẩn mực nợ một cách mạnh mẽ.

Làm được như vậy chúng ta sẽ thanh lọc dần những tổ chức tín dụng không đạt yêu cầu và phù hợp với hướng tái cấu trúc.

Năm vừa rồi Ngân hàng Trung ương hoãn đi một năm để thực hiện việc này là linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và việc tái cấu trúc ngân hàng năm nay chắc chắn phải làm.

Tôi xin nói lại là Ngân hàng Trung ương cần kiên trì lộ trình đang làm, không nên trì hoãn nữa bởi đã đến lúc phải lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, ông có cho rằng nó quá lạc quan?

Thật sự là với mức tăng trưởng tín dụng 14%, đây cũng không phải là con số quá lớn.

Vấn đề ở chỗ là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp (DN).

Tôi tin rằng hiện nay số DN xếp hạng 1, tức là DN tồn tại tốt trong thời gian vừa qua, nếu họ tái đầu tư thì nguồn tín dụng sẽ tăng được.

Nhóm thứ 2 là DN tuy khó khăn nhưng thuộc 5 nhóm ưu tiên về tín dụng và nếu làm mạnh trong năm nay và kể cả gói 30 nghìn tỷ nếu làm mạnh rõ ràng những nguồn đó sẽ bảo đảm tín dụng 14%.

Còn nhóm DN thứ 3, nhóm không thể nào cứu được thì rõ ràng chúng ta phải để thị trường thanh lọc. Không có cách nào khác.

Theo ông đâu là điểm mấu chốt trong tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới?

Cái lớn nhất là phải làm sao phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng giá trị gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đặc biệt chúng ta phải tập trung phát triển nền nông nghiệp hiện nay đang có vấn đề.

Cần có chính sách để tạo được liên kết công nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đấy là hai mấu chốt trong phát triển trung và dài hạn.

Tôi cho là chính sách nó bao trùm đặc biệt để lấy niềm tin trong tái cấu trúc mà Chính phủ đang tập trung.

Ba lĩnh vực phải đảm bảo thành công là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc ngân hàng thương mại đặc biệt lành mạnh hóa và phát triển bền vững hệ thống ngân hàng thương mại và cuối cùng niềm tin thị trường đang trông chờ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Như thông điệp mà Thủ tướng đã đưa ra, Chính phủ cam kết trong hai năm tới sẽ cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước.

Tôi cho rằng nếu làm được như vậy chúng ta sẽ tạo được niềm tin cho thị trường.

Ông có nhận định gì cho năm mới 2014?

Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần có sự tin tưởng hơn dù kinh tế còn nhiều khó khăn.

Chắc chắn các năm 2014 và 2015 sẽ tốt hơn nhiều so với những năm vừa qua.

Vấn đề lạm phát tôi nghĩ là kiềm chế được, bộ phận doanh nghiệp sẽ vươn lên được và các thị trường sẽ ấm lên.

Chúng ta vẫn ở giai đoạn chưa thoát hết trì trệ, nhưng 2 năm tới nền kinh tế có nhiều triển vọng.

Người dân cũng nên tin vào sự phát triển của đất nước, dù mức phát triển này hiện còn chậm nhưng chúng ta đang trên con đường phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Trâm (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.