21/05/2025 7:01 AM
Tháng 2 vừa qua, người dân tiếp tục rót mạnh tiền vào hệ thống ngân hàng, bất chấp bối cảnh lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 178.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1, nâng mức tăng trong hai tháng đầu năm 2025 lên con số đáng chú ý: 301.000 tỷ đồng.

Tiền gửi cá nhân vào ngân hàng tăng mạnh, vượt cả doanh nghiệp- Ảnh 1.

Tổng lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng trong hai tháng đầu năm 2025 tăng 301.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đến cuối tháng 2, tổng tiền gửi của cá nhân đạt 7,366 triệu tỷ đồng, tăng 4,26% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, nhóm khách hàng tổ chức kinh tế lại có xu hướng rút ròng tiền gửi trong hai tháng đầu năm. Riêng tháng 2, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tiếp 71.000 tỷ đồng, nâng tổng mức sụt giảm lên 305.000 tỷ đồng kể từ đầu năm. Hiện tổng tiền gửi của nhóm này còn lại 7,362 triệu tỷ đồng, giảm 3,98% so với cuối năm trước.

Điều đáng chú ý là lần đầu tiên sau một thời gian dài, tiền gửi của cá nhân đã vượt qua tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Tháng 2 cũng chứng kiến sự biến động của mặt bằng lãi suất huy động. Trong nỗ lực hút vốn, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất lên mức hấp dẫn, với mức trên 6%/năm xuất hiện ở nhiều nơi. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng phổ biến từ 3,5 – 4,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng từ 4,8 – 5,9%, và kỳ hạn 12 tháng có nơi niêm yết đến 7,7%/năm.

Tuy nhiên, cuối tháng 2, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra yêu cầu giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hưởng ứng chỉ đạo này, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,3 – 1%/năm trong tháng 3 và tháng 4.

Bước sang tháng 5, lãi suất có dấu hiệu nhích nhẹ ở một số ngân hàng, tăng từ 0,1 – 0,3%/năm, nhưng chưa đủ để tạo nên một "cuộc đua" mới như hồi đầu năm.

Song song đó, tổng phương tiện thanh toán - chỉ báo quan trọng phản ánh dòng tiền trong nền kinh tế - cũng giảm nhẹ 19.000 tỷ đồng trong tháng 2, còn 18,157 triệu tỷ đồng. Mức tăng của tổng phương tiện thanh toán so với cuối năm 2024 hiện chỉ còn 1,35%.

Những con số trên cho thấy một thực tế trái chiều: trong khi doanh nghiệp thắt chặt dòng tiền gửi, thì người dân vẫn lựa chọn ngân hàng làm nơi "trú ẩn an toàn". Điều này không chỉ phản ánh tâm lý thận trọng của người gửi tiền mà còn đặt ra bài toán cân bằng nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng trong những tháng tới.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.