Nhiều hộ dân ở xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước chưa chịu bàn giao mặt bằng để xây dựng Khu công nghiệp Long Giang, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Thời gian qua, vụ khiếu kiện tập thể tại nông trường Tân Lập, thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã kéo dài nhiều năm, gây bức xúc cho xã hội. Các Bộ, ngành Trung ương đã nhiều lần đến hỗ trợ địa phương nỗ lực giải quyết, sớm ổn định đời sống người dân.


Chủ trương của tỉnh là không để người dân thiệt thòi và sớm ổn định cuộc sống, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Khu công nghiệp Long Giang, góp phần chuyển dịch kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên nhiều hộ dân vì lợi ích cục bộ vẫn cố tình dây dưa kéo dài; làm chậm sự phát triển chung của tỉnh.


Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Tân Lập 1 vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng để xây dựng Khu công nghiệp Long Giang. Họ cho rằng, chính quyền địa phương đền bù chưa thỏa đáng, do đó, vụ khiếu kiện tập thể này đã kéo dài gần 3 năm qua.


Năm 2008, Dự án Khu Công nghiệp Long Giang tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước được chính thức khởi công. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó 1 năm. Để xây dựng Khu Công nghiệp Long Giang, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định thu hồi lại 540ha đất đã giao cho Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang thuê.


Trước đó, Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang đã cho các hộ dân sống ven Nông trường Tân Lập (đơn vị trực thuộc Công ty) thuê khoán lại để sản xuất dứa cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp, với thời gian thuê là 50 năm. Do vậy, khi triển khai dự án khu công nghiệp sẽ có 395 hộ dân phải tạm ngưng sản xuất, giao trả lại phần đã đất thuê của nông trường Tân Lập.


Thực hiện theo Luật đất đai và Nghị định 197 của Chính phủ, phía tỉnh Tiền Giang đã thực hiện việc bồi thường hợp đồng cho mỗi hộ nhận khoán là 120 triệu/ha và hỗ trợ thêm phần an sinh xã hội là 61 triệu/ha. Đến nay, đã có 387 hộ nhận tiền để mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, đồng ý di dời nhà ở để tái sản xuất và cuộc sống đã ổn định.


Điều đáng nói là còn 15 hộ không chấp nhận chủ trương giải quyết của địa phương và còn lôi kéo các hộ khác đi khiếu kiện, gõ cửa các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, tạo thành điểm “nóng” về khiếu kiện đông người.


Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các ngành, đoàn thể tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phước và xã Tân Lập 1 đã tổ chức hàng chục đoàn cán bộ đến đối thoại, tuyên truyền, giải thích nhưng các hộ này vẫn cố tình không chấp nhận chủ trương của tỉnh. Số hộ này chủ yếu không chịu hiểu nội dung của Khoản 10, điều 5A của Nghị định 197/CP của Chính phủ quy định đối với việc thu hồi đất của nông trường Tân Lập (thuộc công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang). Bởi Công ty này đã cổ phần hóa từ năm 2005, nên phía tỉnh không phải bồi thường cho hộ nhận khóan 60% giá đất như các doanh nghiệp Nhà nước hay nông trường quốc doanh khu bị thu hồi.


Do các hộ không chịu bàn giao mặt bằng nên công việc đầu tư xây dựng hạ tầng ở Khu công nghiệp Long Giang bị đình trệ, thi công dở dang; phần lớn diện tích đất trong quy họach bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.


Để giúp các hộ dân nhận khoán đất của nông trường Tân Lập sớm ổn định cuộc sống, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, qua nhiều lần họp dân, bàn bạc, giải quyết trên tinh thần công khai, dân chủ và đúng pháp luật, mới đây UBND tỉnh Tiền Giang ra Thông báo số 96, đồng ý hỗ trợ thêm cho mỗi ha đất 100 triệu đồng. Số tiền này tỉnh vận động nhà đầu tư Khu công nghiệp Long Giang hỗ trợ.


Như vậy với mức bồi thường, hỗ trợ mới, mỗi hộ dân bị thu hồi đất sẽ nhận được số tiền 281 triệu đồng/ha. Các hộ chưa di dời sẽ được cấp miễn phí 300m2 đất thổ cư xung quanh nhà. Ngoài ra, số diện tích đất nông nghiệp còn lại mà không thuộc diện tích thu hồi, hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mất toàn bộ đất sản xuất sẽ được tỉnh cấp gạo ăn trong 3 tháng và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề...


Chủ trương này ban hành được đa số hộ dân thuộc diện giải tỏa mặt bằng nhất trí cao. Ông Phạm Thành Vinh, một hộ nhận khoán, đã giao đất cho Khu công nghiệp Long Giang cho biết: “Qua giải quyết của UBND tỉnh và Cục 3 (Thanh tra Chính phủ), người dân thống nhất mức hỗ trợ thêm 100 triệu/ha; đồng thời cấp lại thổ cư nên chúng tôi rất hài lòng. Mong sao UBND tỉnh giải quyết tiền nhanh để dân ổn định đời sống, bắt tay vào sản xuất”.


Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên VOV, hiện nay vẫn còn một số hộ dân nhận khoán ở nông trường Tân Lập cố tình không nhận các mức bồi thường, hỗ trợ của phía UBND tỉnh Tiền Giang. Thậm chí nhiều hộ khiếu kiện đã bị Tòa án huyện Tân Phước và Tòa án tỉnh Tiền Giang bác đơn khởi kiện, đòi bồi thường giá đất sai quy định của Nhà nước, nhưng họ vẫn có ý kiến chủ quan cho rằng yêu cầu của mình là đúng pháp luật; yêu cầu phía tỉnh Tiền Giang phải bồi thường thêm 60% giá đất hiện hành.


Thời gian qua, Chính quyền và ngành chức năng địa phương đã có những chính sách hết sức linh hoạt; tích cực tuyên truyền, giải thích pháp luật, không để hộ dân mất đất bị thiệt thòi. Ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước cho nói: “Thời gian qua, tại Khu công nghiệp này xảy ra các điểm nóng về khiếu kiện, do đó Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu. Nhưng một số hộ dân cố tình nghi ngờ về việc thực thi chủ trương của Nhà nước. Do đó, theo Thông báo 96 của tỉnh, xã tiếp tục vận động, giải thích để bà con hiểu đúng chủ trương này”.


Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã vận dụng tốt nhất các chính sách về thu hồi đất của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Theo ông Điều, chủ trương của tỉnh là muốn bà con ổn định về đời sống, sản xuất. Trong quá trình thu hồi đất giao cho Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đất cho bà con… Mức như đã thoả thuận là phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước và pháp luật.


Với sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực giải quyết của UBND tỉnh và các ngành hữu quan của tỉnh Tiền Giang, thiết nghĩ các hộ nhận khoán đất ở Nông trường Tân Lập cần hiểu rõ các quy định của pháp luật về chế độ chính sách đối với việc thu hồi đất. Qua đó chấp nhận mức bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước và sớm bàn giao mặt bằng, để dự án khu công nghiệp được triển khai xây dựng; tạo đà cho kinh tế của địa phương phát triển./.

Theo Chu Trinh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.