Các lĩnh vực mời gọi đầu tư gồm hạ tầng Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại...
Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, danh mục dự án đầu tư được giới thiệu tại Hội nghị này là những dự án được tỉnh lựa chọn, xem xét kỹ, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. Đặc biệt, trong mỗi dự án, tỉnh đều cung cấp thông tin chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, giá đất cụ thể, mặt bằng - vị trí dự án… để các nhà đầu tư tìm hiểu, tính toán và khi quyết định đầu tư có thể triển khai thực hiện được ngay.
Đánh giá cao kết quả của hội nghị với khoảng 16.000 tỉ đồng sẽ đầu tư trực tiếp vào Tiền Giang trong nay mai, Thủ tướng cho rằng: “Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Thủ tướng nhấn mạnh Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của TP.HCM nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả.
Hiện tại dư nợ tín dụng của Tiền Giang đạt gần 49.000 tỷ đồng, mới chỉ tương đương 63% GRDP của tỉnh, cho thấy tiềm năng cải thiện độ sâu tài chính của Tiền Giang vẫn còn rất lớn. Dư địa cho tăng trưởng còn nhiều. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục xử lý các thủ tục hành chính rườm rà, làm tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp không nên chậm trễ với những dự án, kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang bởi “tất cả chúng ta đều nhìn thấy một địa phương như Tiền Giang đang ngày càng quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động chung của cả nước” khi mà các năm 2016, 2017, nửa đầu 2018, Tiền Giang đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, 8%/năm.