13/09/2023 2:15 PM
Trong số nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội ở Đồng Nai chưa đạt yêu cầu có phần vì nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư do chính sách bỏ ưu đãi 20% sàn kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội.

Theo CTTĐT tỉnh Đồng Nai, mới đây lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với sở ngành về tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Doanh nghiệp không mặn mà?

Báo cáo của Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, từ năm 2022 đến nay các địa phương trình hồ sơ 10 dự án quy mô 13.000 -15.000 căn hộ.

Đến nay có 3 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 dự án UBND tỉnh đang xem xét, còn lại đang bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

So với mục tiêu đề ra, công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư của một số địa phương chưa đạt yêu cầu, hiện có 7/11 địa phương chưa trình hồ sơ chủ trương đầu tư dự án, 3 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đơn vị này kiến nghị, UBND tỉnh sớm chỉ đạo xem xét thu hồi quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để giao các địa phương lập hồ sơ chủ trương đầu tư. Đồng thời, tổ chức mời gọi, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có năng lực triển khai các dự án đã được phê duyệt.

Tiến độ xây dựng dự án nhà ở xã hội ở Đồng Nai đang chậm

Nêu nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội đang chậm tiến độ, các sở ngành cho biết chủ yếu liên quan đến pháp lý đất đai, phải điều chỉnh chủ trường. Bên cạnh đó, chính sách bỏ ưu đãi 20% sàn kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội nên nhà đầu tư không mặn mà.

Theo tìm hiểu, trước đây chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở hoặc sàn để xây dựng nhà ở thương mại. Quy định này nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành sau khi đầu tư.

Tuy nhiên hiện tại, quy định này không còn hiệu lực. Cụ thể, tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (Nghị định số 35) do Chính phủ ban hành tháng 6/2023 và công văn đính chính nghị định này ban hành tháng 7/2023 đều bỏ nội dung được dành 20% diện tích đất ở để kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đang rất chậm. Do đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương đã có dự án đề xuất sớm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để trình phê duyệt; địa phương chưa có dự án đề xuất nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để trình hồ sơ chủ trương đầu tư.

Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung nhỏ giọt

Là địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, tỉnh Đồng Nai đón hàng trăm nghìn lao động từ nhiều địa phương đến sinh sống và làm việc. Từ đó, đặt ra nhu cầu rất lớn về nhà ở. Nhất là phân khúc bình dân, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Theo thống kê, Đông Nai hiện có 40 khu công nghiệp. Trong đó, 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng, còn lại 8 khu công nghiệp chưa được thành lập.

Tỉnh Đồng Nai cho biết, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 607 nghìn lao động đến làm việc trong các nhà máy. Trong đó, có hơn 70% lao động đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Đồng Nai có nhu cầu lớn về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp

Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư các dự án bất động sản ở Đồng Nai. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu là nhà ở thương mại có giá bán vượt tầm với của nhiều lao động địa phương.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bà Đặng Thị Kim Oanh Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Kim Oanh đề xuất kế hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội tại huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP. Biên Hòa.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đến năm 2025 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, địa phương này sẽ dành 700ha đất để đầu tư xây dựng 66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trong thời gian tới.

66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội sẽ cung ứng khoảng 10.000 căn, tương ứng khoảng 800.000 m2 sàn. Tổng mức đầu tư ước tính cần khoảng 10.155 tỉ đồng từ nguồn vốn Nhà nước, vốn huy động từ các doanh nghiệp và nguồn vốn khác. Những dự án này chưa bao gồm quỹ đất NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại.

Về số lượng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tính theo địa phương, kế hoạch đến năm 2025, TP Biên Hoà có 18 dự án, huyện Cẩm Mỹ 12 dự án, huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất mỗi nơi có 7 dự án, huyện Nhơn Trạch và Long Thành mỗi nơi có 5 dự án,...

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.