26/07/2016 1:53 PM
Dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Lễ Môn (Thanh Hóa) có kinh phí trên 100 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 1.500 công nhân. Hiện tiến độ của dự án chẳng khác nào “rùa bò”…
Công trình thu hút vốn đầu từ hàng trăm tỉ đang “đắp chiếu”
Công trình “khủng” nói trên thuộc nhóm dự án nhà ở chính sách xã hội, được đầu tư bằng vốn tự có và huy động của chủ dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Hóa. Đây là dự án đầu tiên được đầu tư xây dựng gắn liền với KCN nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Theo quy hoạch, dự án xây dựng trên diện tích 3ha. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng ba tòa nhà chung cư cao 5 tầng với hai loại phòng đơn (26,7m2/phòng) và phòng đôi (50m2/phòng); nhà ăn tập thể và dịch vụ thương mại; nhà trẻ; nhà xử lý nước thải sinh hoạt... trên diện tích 1ha.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 116 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2014, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 công nhân của KCN. Kế đó, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục xây các tòa nhà chung cư còn lại và công trình phúc lợi, thương mại khác vào 2018.
Với lợi ích hết sức thiết thực, dự án được hàng ngàn công nhân trông đợi. Quả thật, thời gian đầu tiến độ triển khai ổn định, từ nhà thầu cho đến đơn vị thi công và các công nhân luôn túc trực 24/24 tại công trường, không khí làm việc vô cùng gấp gáp.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, càng về sau dự án càng ì ạch, riêng 2 năm gần đây thì gần như không thấy động tĩnh gì, hậu quả là sau 3 năm giai đoạn 1 vẫn chưa thể về đích.
Thậm chí dự án đứng trước nguy cơ chết yểu. Đến nay mới chỉ xây dựng được phần thô của 2 tòa nhà chung cư 5 tầng, còn lại gần như chưa được đụng đến. Do bị bỏ không lâu ngày, nhiều hạng mục bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, tại nhiều điểm cỏ mọc um tùm.
Một dự án hoành tráng được vẽ lên, nhưng đáng buồn thay mọi thứ không theo ý muốn, thay vì làm chỗ ở sinh hoạt lâu dài cho hơn 1.500 công nhân, giờ công trình đang phơi nắng dầm sương “hoang hóa” theo thời gian.
Được biết, tại KCN Lễ Môn có trên 30 DN đang đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Những tưởng việc xây dựng khu nhà ở sẽ giải quyết phần nào về nhu cầu nhà ở cho công nhân, thế nhưng do dự án "rùa bò" đã đẩy hàng ngàn lao động vào thế khó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thuận tiện cho công việc, rất nhiều công nhân trong KCN phải thuê nhà trọ chất lượng thấp để ở. Dù biết các phòng trọ nói trên chất lượng không đảm bảo nhưng với đồng lương ít ỏi hàng tháng, mọi người đành “cắn răng” chi tiền vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Chị Đ.T.K (39 tuổi), hiện đang là công nhân giày da của Cty SunJade chán nản cho biết: “Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, vất vả mà đồng lương chẳng thấm vào đâu, vì điều kiện không cho phép nên đành thuê tạm căn phòng nhỏ để có chỗ chui ra chui vào. Mùa đông còn đỡ chứ ngày hè nóng nực thì chẳng khác gì tra tấn.
Dự án dở dang, hàng ngàn công nhân phải thuê những căn phòng tồi tàn, chật hẹp để ở
Nói thật với chú, từ phòng trọ đến chỗ làm chưa đầy 1km nhưng chỉ buổi tối vợ chồng tôi mới về, thời tiết oi bức như thế này thì chịu sao nổi”.
Khi được hỏi về dự án nhà ở, chị K. bộc bạch: “Thú thực khi thấy chủ đầu tư triển khai xây dựng khu nhà ở, tất cả chúng tôi đều khấp khởi mừng thầm, tin tưởng rồi đây đời sống sẽ đỡ khó khăn, vất vả hơn, không ngờ mọi thứ lại ra thế này”.
Được biết, lương công nhân của chị K. chỉ vỏn vẹn 3.500.000 ngàn/tháng, tháng nào tăng ca thì có thêm chút đỉnh, chẳng thấm vào đâu. Chưa kể xăng xe, bảo hiểm, ăn uống, còn tiền nhà, điện nước không dưới 600.000 ngàn. Thành thử, vợ chồng tính toán chi li đến mấy cũng thiếu trước hụt sau.
Giờ dự án chưa xong nên chẳng biết bao giờ anh chị mới được chuyển vào thuê nhà ở xã hội với giá mềm hơn.
PV đã tìm đến gặp ông Vũ Hồng Sơn, PGĐ Công ty CP Đầu tư Hạ tầng KCN Thanh Hóa (trước kia là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng) thì ông Sơn cho biết, có nhiều nguyên nhân chậm.
Thứ nhất khi triển khai, đơn vị vừa phải thi công vừa phải lo các chính sách ưu đãi của nhà nước. Thứ hai, trước đây Cty đăng ký với Bộ Xây dựng vay gói hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB), sau đó ngân hàng này sáp nhập với Ngân hàng ĐT- PT Việt Nam (BIDV) nên việc vay vốn gặp nhiều khó khăn.
Chưa hết năm 2014 và 2015, công ty phải tập trung triển khai việc cổ phần hóa theo lộ trình cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án.
Chủ đầu tư nói vậy nhưng dự án “tắc”, công nhân khốn đốn, nên rất cần các ban ngành cần sớm tháo gỡ nút thắt.
Việt Khánh (Nông nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.