27/07/2021 10:55 AM
Đại biểu quốc hội lo lắng khả năng huy động, cân đối nguồn thu, an toàn nợ công khi "ngước nhìn" con số 2,87 triệu tỷ đồng dự kiến cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025...

Dự kiến dành 2.870 nghìn tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.

Thảo luận tại tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngày 25/7, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Tây Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ưu tư: “Hai nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, tôi thấy lúc nào Chính phủ cũng đốc thúc. Mà càng đốc thúc tiến độ, giải ngân càng chậm, trong khi lúc nào cũng kêu thiếu tiền".

CHỈ ƯU TIÊN DỰ ÁN CẤP BÁCH

Tại phiên này, câu chuyện sử dụng tối ưu đồng vốn ngân sách mà ông Tiến đề cập được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi. Mặc dù nhất trí tăng vốn đầu tư công dự kiến tăng so với giai đoạn 2016-2020 nhưng các đại biểu cho rằng, việc phân bổ dự án cho các khu vực trong kế hoạch vẫn còn một số điều chưa hợp lý. Nhiều dự án chưa cấp bách được đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới, trong khi đó, nhiều dự án được ưu tiên nhưng chưa phát huy hiệu quả thực sự.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Thành phố Hà Nội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, có trọng tâm trọng điểm, góp phần đẩy nhanh các dự án sớm hoàn thành, giải quyết cơ bản vấn đề nợ đọng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không phát huy được hiệu hiệu quả, buộc phải chuyển sang đầu tư công; do vậy, từ 2021 - 2025, phải đẩy mạnh hình thức đầu tư này, bởi đặc tính huy động được nhiều nguồn lực xã hội thay vì tập trung vào ngân sách trong đầu tư công.

"Chính phủ cần chú trọng hơn đến vấn đề này, đặc biệt là việc chuẩn bị các dự án PPP cũng như cam kết của doanh nghiệp khi triển khai, để hạn chế các dự án dở dang, gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội phản ánh", ông Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, cũng theo ông, kế hoạch thực hiện đầu tư công giai đoạn tới cần phải lựa chọn cơ cấu phân bổ và các dự án cần đầu tư. Một số dự án chưa cấp bách, chưa cần thiết để đầu tư tư công thì không nên đưa vào. "Dự án kết nối khu du lịch Tam Chúc – Bái Đính đã tồn đọng nay lại đưa vào. Liệu có cấp bách không, trong khi nhiều dự án cần thiết hơn? Hoặc một số dự án tôn tạo, cải tạo không phải trọng điểm quốc gia cũng đưa vào danh mục đầu tư”, ông Cường nêu thực tế.

"Tôi cho rằng áp lực trả nợ công vào năm 2021 và 2024 là rất lớn. Trong khi dự toán thu ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ngân sách địa phương khi giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Trong khi thuế giảm thu, còn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn dư địa, nhưng đây là nguồn thu không chắc chắn, khó bảo đảm. Vì thế, Chính phủ cần xem xem lại việc cân đối nguồn thu", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn thành phố Hà Nội dẫn chứng nhiều dự án ưu tiên trong giai đoạn qua chưa cho thấy kết quả.

Chẳng hạn, dự án tái định cư khu vực thủy điện ở một số nơi là hơn 6.200 tỷ đồng. Song qua giám sát cho thấy, nhiều người dân nhường đất để xây dựng thủy điện, nhưng đến nay người dân vẫn rất khó khăn, chưa có nhà ổn định. Đã ba nhiệm kỳ qua, nếu cần thiết chúng ta cần có báo cáo đánh giá kiểm toán để xem hiệu quả thực sự của các dự án này ra sao.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nguồn thu giảm mạnh, Chính phủ cần giải thích rõ căn cứ vào đâu để đề xuất tổng mức vốn ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó có 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn Thành phố Hà Nội nhấn mạnh thêm: trong giai đoạn tới, cần rà soát lại các dự án trọng điểm quốc gia đang tồn đọng để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, cần rà soát lại các dự án theo thứ tự ưu tiên, trong đó chú trọng đến các dự án về giao thông để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, rồi một số dự án đã được đầu tư nhưng chưa khai thác hiệu quả. Một số dự án còn nợ đọng vốn cần tìm giải pháp tháo gỡ.

CẮT BỎ QUY ĐỊNH RƯỜM RÀ

"Mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân. Thêm nữa, phải tính toán rất sát nguồn thu trong bối cảnh đại dịch, để từ đó cân đối chi cho phù hợp, khả thi”, đại biểu Lê Tiến Châu, đoàn Hậu Giang đề xuất.

Nhìn nhận giải ngân chậm là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", đại biểu Lê Tiến Châu, Hậu Giang thừa nhận nguyên nhân là do vướng từ quy định pháp luật, trình tự rườm rà… có thể bỏ được nhưng ta không bỏ.

Việc giải ngân hiện nay vừa chậm, giao ngắt quãng, giao nhiều lần, giao nhiều dự án, tiền thiếu nên công trình dở dang, đến khi bổ sung vốn thì đội tổng mức đầu tư, thiệt hại vô cùng lớn.

"Ngoài vướng mắc thủ tục và cấp phát vốn có tính cào bằng thì tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện các dự án ODA là 50%. Mà địa phương càng khó khăn, nhu cầu vốn càng cao, vậy tiền đâu để lo 50%?”, ông Châu nói.

Theo ông, hình thức PPP rất hiệu quả, cần tính toán việc đối ứng. BOT không hề có lỗi, chẳng qua do tổ chức thực hiện. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cần phải khơi thông nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đầu

Thảo luận về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc dành ngân sách đầu tư cho giáo dục và văn hóa còn quá thấp so với các dự án phát triển kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng.

Hiện tổng số vốn ngân sách Trung ương dự kiến bố trí trong dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế chiếm 74,1% của tổng số vốn kế hoạch; kế đến là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7%; Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%; văn hóa thông tin 10%;…

Theo đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn thành phố Hà Nội, trong kế hoạch của Chính phủ, việc đầu tư công cho các trường nghề chất lượng cao hơn 8.600 tỷ đồng là còn thấp. Cần thiết tăng cường ngân sách cho giáo dục đại học và cao đẳng để nâng cao chất lượng nguồn nhân thực.

“Tôi cho rằng cần bố trí thêm nguồn ngân sách cho các trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo kỹ năng lao động. Cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, thúc đẩy phát triển các sơ sở giáo dục đào tạo nghề chất lượng cao, để đẩy mạnh phát triển nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của khu vực, đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển đất nước”, bà Minh Ánh kiến nghị.

Đồng thời, cần tăng nguồn đầu tư cho văn hóa, xây dựng các công trình, thiết chế, di sản văn hóa. Đây là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế gắn với văn hóa để hài hòa.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn thành phố Hà Nội

“Về thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn, trong đó, ưu tiên thanh toán nợ xây dựng cơ bản và cuối cùng mới là các dự án mới. Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo số dự án chuyển tiếp trong giai đoạn cũ là rất lớn, với hơn 1.000 dự án. Vậy những dự án này có tiếp tục dở dang không, có hiệu quả để tiếp tục ưu tiên vốn không. Trong khi các dự án mới phải mang tính cấp bách, nhưng nhìn vào bảng các dự án chưa thấy thực sự cấp bách.

Hai nhiệm kỳ qua, 80% cam kết của các địa phương không thực hiện được. Khi các lãnh đạo địa phương hết nhiệm kỳ là xong, khiến nhiều dự án dở dang, thiếu vốn, thể hiện tư duy nhiệm kỳ. Cứ người mới không chú ý đến dự án cũ còn dở dang, điều này rất nguy hiểm. Cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu không thực hiện được khi cam kết với các dự án của địa phương”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Tây Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

“Hai nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, tôi thấy lúc nào Chính phủ cũng đốc thúc. Mà càng đốc thúc tiến độ, giải ngân càng chậm, trong khi lúc nào cũng kêu thiếu tiền. Có lẽ do cách lập kế hoạch đầu tư, cách thức thực hiện, giám sát, chế tài có vấn đề. Các đại biểu đi giám sát về xong rất buồn. Công trình thì dở dang, không đưa vào sử dụng được, rất lãng phí, trong khi tiền để trong két. Tôi nghĩ cả Quốc hội, Chính phủ, từng đơn vị cần ngồi lại để trả lời câu hỏi trăn trở của đại biểu, người dân. Chứ để thế này rất lãng phí”.

Giai đoạn 2021-20125, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương dự kiến bố trí cho khoảng 4.979 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó, có 2.236 dự án khởi công mới.

Chính phủ dự kiến tổng mức vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 870 ngàn tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020. Bao gồm 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Trâm Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.