|
Ảnh minh họa |
Thực tế là ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố
chính thức việc chỉ thị hạ lãi suất vay thì kênh chứng khoán trong ngày
8-9 đã xanh trở lại, các chỉ số thị trường như VN-Index, HNX-Index bật
tăng mạnh.
Nhận định về xu hướng hiện nay, ông Trương Văn Phước,
Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, cho rằng tuy lợi nhuận từ kênh tiết
kiệm không còn hấp dẫn lắm nhưng vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư thu nhập ở
mức có thể chấp nhận được. Tuy nhiên ông Trương Văn Phước cho rằng theo
quy luật, khi lãi suất thấp xuống sẽ tạo điều kiện cho các kênh đầu tư
tài chính khác khởi sắc, trong đó chứng khoán là một lựa chọn.
Lý do khi lãi suất thấp sẽ khiến chi phí doanh nghiệp giảm xuống, lợi nhuận cao hơn, từ đó tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu. Tuy nhiên ông Trương Văn Phước cho rằng trong năm nay lãi suất huy động sẽ chỉ quanh quẩn khoảng 14%/năm. Đây vẫn là mức lãi suất có lợi cho người gửi tiền nếu nhìn về lạm phát trong tương lai.
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng việc giảm lãi suất huy động là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán. Công ty Chứng khoán ACBS nhận định: “Trong thời gian tới, một dòng tiền lớn có thể đổ vào thị trường chứng khoán do lãi suất huy động thấp sẽ làm nhà đầu tư chuyển các khoản tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư cổ phiếu”.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng lãi suất
huy động 14%/năm thực tế không phải là quá thấp. Đặc biệt với những
người có dư vài chục triệu đến 100-200 triệu đồng, không đủ để đầu tư
vào bất động sản. So với USD, tiết kiệm VND vẫn đang hấp dẫn hơn do lãi
suất huy động VND cao hơn lãi suất tiết kiệm USD đến 12%, trong khi khả
năng tỉ giá tăng 12% vào thời gian tới để bù đắp chênh lệch lãi suất là
rất khó.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (ĐH Mở thành phố Hồ Chí Minh), với việc giảm lãi suất đầu vào, chắc chắn thời gian tới lãi suất đầu ra cũng sẽ được kéo xuống. Điều này sẽ tác động rất tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết. Áp lực trả lãi và chi phí tài chính giảm, khả năng vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh lại được mở ra, chi phí giá thành thấp hơn, đầu ra của sản phẩm cũng tốt hơn... Đây là cơ sở để kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian tới sẽ tốt hơn.
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cho rằng, thực hiện giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ có lợi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho chính các ngân hàng thương mại. Nếu các ngân hàng thương mại cứ để lãi suất quá cao thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay với chi phí cao sẽ gặp khó khăn, từ đó trả nợ ngân hàng khó khăn và dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng lên, tác động trở lại vấn đề an toàn của các ngân hàng thương mại.
Còn khi giảm lãi suất, một mặt là có lợi cho nền kinh tế phát triển ổn
định, có lợi cho các doanh nghiệp và chính các ngân hàng cũng có lợi,
nhất là khi đặt trong yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống.
Việc hạ lãi suất tín dụng đang được gắn liền với giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ khác nên vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính Phủ.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hạ lãi suất và có chính sách điều tiết vốn
linh hoạt luân chuyển cho hợp lý, chứ không vì phải giảm lãi suất mà
tăng mạnh cung tiền lên. Tổng phương tiện thanh toán đã được tính toán
và Ngân hàng Nhà nước xác định năm nay ở khoảng 15 - 16%.