11/05/2014 11:52 AM
Thời điểm mà Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro bắt đầu có hiệu lực đã đến rất gần. Nếu áp theo các quy định được nêu trong Thông tư thì kể từ ngày 1-6 tới, có thể con số nợ xấu ở các ngân hàng sẽ còn tăng lên.

Điều này càng khiến cho nỗi ám ảnh nợ xấu trở nên hữu hình hơn bao giờ hết. Để ước chừng được con số nợ xấu thật sự của các tổ chức tín dụng lại chẳng hề đơn giản bởi trên thực tế có nhiều cách để con số trên được đưa xuống ở mức thấp nhất có thể. Chẳng hạn như, ngân hàng có thể đẩy tài sản bảo đảm sang công ty quản lý tài sản của họ để xử lý với một kết quả đẹp hoặc có thể cho vay lòng vòng để doanh nghiệp đáo nợ... Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán nói rằng, nếu tính đúng, tính đủ theo quy định của các cơ quan quản lý một cách trung thực, con số nợ xấu trung bình của các ngân hàng phải là hai chữ số.

Điều đáng nói, thực trạng nợ xấu của các ngân hàng từng tạo ra áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước phải lui thời hạn áp dụng của Thông tư 02/2013/TT-NHNN thành thời hạn của Thông tư 09/2014/TTNHNN nhằm giảm áp lực trích lập dự phòng đối với các NHTM so với dự kiến ban đầu. Điều đó cho thấy "khối u" nợ xấu còn chưa phát tác hết và nếu cơ quan quản lý giám sát kiểm tra một cách quyết liệt, con số thực tế sẽ không đẹp như các ngân hàng công bố.

Hiện nay, xử lý nợ xấu được trông vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhưng chính bản thân "nhà giải cứu" VAMC cũng đang gặp khó vì chưa có hành lang pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi để bán nợ xấu. Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, VAMC chỉ được bán khoản nợ có tài sản giá trị dưới 10 tỷ đồng. Điều này theo lãnh đạo của VAMC là không hợp lý vì giá trị nợ xấu mà VAMC cần xử lý rất lớn. Ngoài ra, Dự thảo còn đưa ra nhiều thủ tục phức tạp có thể gây thêm phiền hà cho việc xử lý nợ. Liệu có nên trao cho VAMC quyền năng cực lớn trong vấn đề bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm? Đó là vấn đề cần được quyết sách càng sớm càng tốt. Bởi một khi cơ chế xử lý quá phức tạp, sẽ khiến Việt Nam bị chậm trong quá trình xử lý nợ, làm mất cơ hội và tăng chi phí xử lý nợ xấu. VAMC xét đến cùng không thể cứ ôm mãi nợ xấu vào, trong khi đầu ra thì nhỏ giọt!

Phong Lan (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.