Chính phủ yêu cầu NHNN có kịch bản điều hành tỉ giá
Khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất cùng với tình hình chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng đang là 2 yếu tố được cho sẽ tạo áp lực lên tỉ giá VND/USD trong nửa còn lại của năm.
Trước tình hình tỉ giá diễn biến căng thẳng trong thời gian qua, mới đây, tại họp thường kỳ tháng 6.2018, Chính phủ phát ra thông điệp yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng kịch bản điều hành tỉ giá để hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế, tài chính thế giới.
Trao đổi với báo chí, đại diện của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng CNY thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa. Chúng tôi gợi ý một chính sách giảm giá đồng VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD”, chuyên gia của VEPR cho biết.
Trao đổi với PV báo Lao Động, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam. Riêng về tỉ giá sẽ bị tác động nhưng không đáng kể, khi kinh tế Mỹ giảm tốc độ tăng trưởng, FED không tăng nhanh như trước, đồng USD không tăng mạnh như thời gian qua thì có lợi cho VND. “Chính phủ và các bộ ngành, các DN có XNK vào 2 thị trường này cần có động thái theo dõi, bám sát, chính phủ VN giao các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, NHNN, Bộ Tài chính cần bám sát và có đánh giá tác động cụ thể với kinh tế VN, dòng tiền đầu tư vào Việt Nam và có tác động với tỉ giá lãi suất. Cần có kịch bản ứng phó dự phòng” - TS Cấn Văn Lực nói.
“Trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ yếu đi, USD tăng mạnh gây tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và VND. Khi đồng Nhân dân tệ mất giá thì hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu đi sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và TQ thì có ý nghĩa tích cực với xuất khẩu Việt Nam. Khi hàng Trung Quốc không xuất được thị trường Mỹ, mà phần lớn mặt hàng của Trung Quốc trùng với hàng Việt Nam thì chúng ta có cơ chen vào khoảng trống đó. Tuy nhiên tôi e ngại sức mua, nhập khẩu của Trung Quốc với hàng nông sản Việt. Một khi hàng Trung Quốc dư thừa, họ sẽ không mua hàng của Việt Nam và không có nhu cầu mua nguyên liệu của VN để xuất khẩu” - ông Nguyễn Đại Phượng, chuyên gia quốc tế cho biết.
Bước đi nào cho tỉ giá?
“Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc FED thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, tôi cho rằng việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD. Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỉ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại” - đại diện của VEPR cho biết.
Theo các chuyên gia, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED tiếp tục diễn ra theo lộ trình sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD song không đáng quan ngại do thông tin trên đã được thị trường phản ánh từ trước. Trong năm 2018, NHNN đã lường trước được biến động tăng giá của USD do đó hoàn toàn chủ động trong việc điều hành tỉ giá linh hoạt trong biên độ an toàn.
NHNN vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD. Trong khi đó, lãi suất huy động VND vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỉ giá VND/USD hợp lý. Nhiều khả năng dự trữ ngoại hối sẽ giảm nhẹ vào cuối 2018 khi NHNN phải bán ra ngoại tệ để can thiệp giữ ổn định tỉ giá.