Tuy tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2017 cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 song vẫn thấp so với yêu cầu. Điều này ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm, lãng phí vốn đầu tư và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Để cải thiện tình trạng này, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp.
Một số dự án khởi công mới năm 2016 đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục về đầu tư xây dựng là một trong những nguyên nhân gây chậm giải ngân. Ảnh: Hồng Vân​​​
Giải ngân 30,6% kế hoạch vốn
Theo Nghị quyết của Quốc hội giao, tổng số chi đầu tư phát triển năm 2017 là 357.150 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước (NSNN) là 307.150 tỷ đồng, vốn TPCP là 50.000 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 88,8 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng mới chỉ bằng 30,6% kế hoạch năm. Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% cùng kỳ, bằng 29% kế hoạch năm. Một số bộ có vốn giải ngân tăng như Giao thông vận tải (đạt 11.355 tỷ đồng, tăng 55,4%), Bộ Y tế (đạt 1.280 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng cũng không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, vốn giải ngân của một loạt các bộ, ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông,… đều giảm so với 2016. Tương tự, vốn địa phương quản lý đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016, bằng 31,1% kế hoạch năm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5 các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, vốn thực hiện từ nguồn NSNN cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 5 tháng đầu năm còn chậm.
Lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu như việc chậm giải ngân vốn của năm 2016 chủ yếu do lúng túng trong thực hiện Luật Đầu tư công thì năm nay lại do phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch. Cụ thể, một số bộ, ngành và địa phương chưa nhập hoặc mới chỉ nhập một phần kế hoạch vốn được giao lên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) nên không có dự toán để thanh toán (như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải,...).
Bên cạnh đó, một số dự án khởi công mới năm 2016 đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục về đầu tư xây dựng (giấy phép xây dựng, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu) như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ,... Đặc biệt, trong 4 tháng, một số bộ, ngành và địa phương còn đang thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu với các gói thầu mới nên chưa có khối lượng để thanh toán. Đồng thời, việc thực hiện yêu cầu tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư của từng dự án theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỷ tháng 9/2016 khiến các bộ, ngành phải rà soát điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến công tác đấu thầu nên chưa có khối lượng thực hiện. Một số dự án đã có khối lượng nhưng chưa đến giai đoạn nghiệm thu hoặc chưa được chủ đầu tư nghiệm thu và hoàn thiện thủ tục thanh toán vốn.
Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, không phủ nhận vẫn còn một số chủ đầu tư có tâm lý tập trung khối lượng lớn mới ra Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán vốn hay vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư,...
Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn kế hoạch đầu tư vốn NSNN của năm 2017 (đợt 1) rất sớm, từ cuối năm 2016, nhưng tiến độ các bộ, ngành và địa phương thực hiện giải ngân trong 4 tháng đầu năm còn thấp so với yêu cầu, đã ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm và lãng phí vốn đầu tư và giảm hiệu quả huy động vốn TPCP.
Nhiều giải pháp "thúc" giải ngân
Giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng. Những năm trước đây, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách thường "ì ạch" những tháng đầu năm, song lại dồn hết vào cuối năm gây mất cân đối trong thực hiện các mục tiêu kinh tế. Còn nhớ, năm 2016 là năm đặc biệt khi vướng thực hiện nhiều Luật mới ban hành (Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi...), khiến tốc độ giải ngân quá chậm, 5 tháng đầu năm mới đạt hơn 33%, khiến Chính phủ phải "vào cuộc" thành lập Tổ công tác chỉ đạo, tình hình mới được cải thiện.
Cho nên, ngay từ cuối năm 2016, Chính phủ đã lưu ý thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2017. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan phải hoàn thành toàn bộ việc giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch giao vốn đầu tư công năm 2017 (đợt 2), số vốn, danh mục dự án được phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 sang năm 2017, kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2015 vẫn còn nhu cầu sử dụng, phương án điều chỉnh kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2014-2016 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này; sâu sát, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.
Bộ Tài chính nhận trách nhiệm rà soát các văn bản hướng dẫn về kiểm soát chi và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN, vốn TPCP theo hướng đơn giản hóa thủ tục, phù hợp quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ; định kỳ 15 ngày và hàng tháng cập nhật tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Xây dựng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng; tăng cường đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế dự toán xây dựng công trình, việc thành lập các ban quản lý chuyên ngành, ban quản lý khu vực, ban quản lý đầu tư xây dựng,…
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm phù hợp với thực tế, kiến nghị sửa đổi các quy định không cần thiết và thực hiện quyết liệt, khẩn trương, không làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án.
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, để thúc đẩy giải ngân từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện và thanh toán vốn đầu tư để kịp thời xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cùng với đó, các bộ, ngành địa phương định kỳ lập báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng thời hạn quy định, báo cáo rõ tình hình giải ngân, các tồn tại vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017.
Bộ Tài chính sẽ căn cứ kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 của các dự án, đồng thời trên cơ sở những nội dung khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của các bộ, ngành địa phương để thực hiện kiểm tra, xác định nguyên nhân chậm giải ngân tại một số bộ, ngành, địa phương và tại một số dự án lớn để có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Qua giám sát tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, các thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập, nhiều quy định chồng chéo gây khó khăn cho công tác giải ngân vốn đầu tư. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đi đôi với tăng cường kỷ cương, chấp hành nghiêm túc quy định về đầu tư công; đồng thời, xem xét rút ngắn thời gian gia hạn vốn đầu tư năm 2016 được thực hiện chậm nhất trước tháng 9/2017 đối với các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển giữa các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
(Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV)
Hồng Vân (Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.