Làm tốt công tác cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, cải thiện diện mạo cảnh quan đô thị. Trong ảnh: Khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), một trong những khu chung cư cũ cần được cải tạo. Ảnh: Nguyễn Quang
Yêu cầu tái thiết và những trở ngại
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng trong giai đoạn 1960-1992. Các căn hộ bị đục phá, cơi nới, làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình và mỹ quan đô thị... Diện tích căn hộ tại các chung cư cũ phần lớn chỉ khoảng 30-50m2/căn; cá biệt tại Khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa), khoảng 70% số căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30m2.
Sống tại căn hộ có diện tích 35m2, bà Ngô Thị Tâm (nhà 77 Tập thể Hóa chất, ngõ Thịnh Hào 1, quận Đống Đa) chia sẻ: "Không gian sinh hoạt chung cũng như riêng tư cho gia đình 3 thế hệ với 7 người rất chật hẹp, bí bách. Thêm nữa, dù đã bỏ hơn 200 triệu đồng để cải tạo, nhưng tình trạng thấm dột tại khu vực bếp, nhà vệ sinh vẫn tái diễn".
Thực tế, công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ đã được Hà Nội triển khai từ năm 2008, song đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho biết, đến nay mới có 16 nhà chung cư cũ hoàn thành cải tạo, xây dựng mới; 13 dự án đang triển khai thủ tục và xây dựng. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến vấn đề quy hoạch, cơ chế chính sách đền bù, tái định cư, hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và người dân...
Còn theo Trưởng phòng Quản lý bất động sản (Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai) Lại Tuấn Ngọc, 969/1.579 nhà chung cư cũ tại Hà Nội nằm trong khu vực nội đô lịch sử, mà theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đây là khu vực hạn chế phát triển (về tầng cao, mật độ dân số...). Do đó, việc cân đối, giải bài toán thu hồi vốn cho nhà đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân, không gia tăng dân số tại khu vực... là “nút thắt”, dẫn đến khó kêu gọi nhà đầu tư.
Nhiều căn hộ tại Khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa) cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Ảnh: Đỗ Tâm
Tháo gỡ những vướng mắc
Nhằm giải quyết các bất cập về cơ chế, chính sách, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì lập đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo ông Bùi Tiến Thành, điểm đáng chú ý là cơ chế, chính sách về tỷ lệ hộ dân đồng thuận, cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư... được nghiên cứu phù hợp với đặc thù của thành phố, để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tháo gỡ. Hiện, Sở Xây dựng đang chỉnh sửa đề án trên cơ sở góp ý của Bộ Xây dựng và dự kiến báo cáo UBND thành phố trong tháng 3-2021.
Vướng mắc trong vấn đề quy hoạch cũng đã được thành phố dần tháo gỡ khi đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử (4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) dự kiến sẽ được UBND thành phố phê duyệt trong tháng 3-2021. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ: "Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được thông qua sẽ chốt được các thông số chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, tầng cao, hệ số sử dụng đất, giao thông... Đây sẽ là đầu bài để các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư".
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, quá trình thực hiện, mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng tham mưu đề xuất UBND thành phố kế hoạch lập các đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, nghiên cứu theo 3 mô hình cấp độ: Khu chung cư cũ; nhóm chung cư cũ; tập hợp các chung cư cũ độc lập. Nghiên cứu phương thức đầu tư tương ứng với hiện trạng từng khu chung cư cũ để bảo đảm tính khả thi...
Làm việc với Quận ủy Đống Đa ngày 1-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, trong đó thể hiện tư duy quy hoạch đổi mới, việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ trên địa bàn vừa là nhiệm vụ chính trị cấp bách, vừa là cơ hội để quận nâng cấp diện mạo, cảnh quan và phát triển kinh tế.
Ngày 11-3, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã thông qua Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025". Theo đó, mục tiêu được thành phố đặt ra là tiếp tục đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ; nghiên cứu định hướng giải pháp quy hoạch theo chung cư cũ, nhóm chung cư cũ và các chung cư cũ độc lập nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án; triển khai cải tạo, xây dựng lại 3 chung cư cũ nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh) và chuẩn bị triển khai các khu còn lại…
Thành phố cũng xác định rõ, giải pháp trọng tâm sẽ là: Kiến nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội có Nghị quyết riêng cho thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để triển khai thực hiện.
Rõ ràng, cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ đặc thù và mang tính tổng thể thay vì làm đơn lẻ sẽ là giải pháp đột phá để thành phố tái thiết các chung cư cũ, góp phần xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
-
Cải tạo chung cư cũ: Đỏ mắt chờ cơ chế
Bộ Xây dựng có văn bản trả lời kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn.