Cuốn sổ đỏ trị giá 500 ngàn đồng
Bà Nguyễn Thị Sai (SN 1920, ngụ xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) có chín người con, từng quyết tâm bám trụ mảnh đất quê hương để nuôi giấu cán bộ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến. Năm người con của bà cũng tham gia đánh giặc, trong đó có ba người hy sinh trên chiến trường. Cụ Bành Thông Sánh (thường gọi Bảy Sánh), cựu cán bộ Thanh niên Tiền phong huyện Đức Huệ, đã xác nhận điều này.
Sau năm 1975, chính quyền tỉnh Long An thực hiện kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới, kêu gọi người dân quay về địa phương cải tạo đất bưng hoang. Ông Sánh cho biết thêm: "Trước 1975 nhờ bám trụ, bà Sai khai hoang phục hóa được nhiều đất tại khu Láng Biển. Sau giải phóng, ủng hộ chính sách nhường cơm sẻ áo của Đảng, bà đã chia đất cho nhiều hộ khác". Theo qui định lúc đó, mỗi nông dân phải đóng góp cho Nhà nước 33% trên tổng số lúa thu hoạch được. Trong mỗi vụ mùa, bà Sai đều nộp thuế đúng quy định. Bà và các con liên tục canh tác phần đất trên đến ngày nay.
Năm 2003, bà Nguyễn Thị Lóng (SN 1956, con gái bà Sai) cùng chồng là Lê Văn Phụng (SN 1955) được bà Sai giao phần đất đang canh tác để tiếp tục sử dụng. Bà Lóng kể: "Lúc này do nhiễm phèn, đất không sinh lợi nhiều nên chỉ còn vài hộ trồng lúa. Gia đình tôi nhiều lần đến gặp Địa chính xã là anh Nguyễn Hoàng Thương xin cấp QSDĐ. Lần nào tôi cũng nhận được câu trả lời: Cứ an tâm canh tác, bây giờ chưa có đợt đăng ký, khi nào có sẽ thông báo. Không hiểu sao, 8 năm sau gia đình ông Cò đột nhiên xuất hiện tranh chấp mảnh đất chúng tôi đang canh tác ổn định. Được chính quyền xã mời ra giải quyết, lúc đó tôi mới biết ông Cò đã được cấp QSDĐ?".
Điều lạ thứ nhất là nhiều năm liên tục ông Cò không sinh sống tại địa phương, không canh tác trên phần đất đó nhưng vẫn được UBND huyện Đức Huệ cấp QSDĐ? Theo hồ sơ, ông Cò giải thích rằng đó là đất ông thừa kế từ cha, chú nhưng không hề có tài liệu chứng minh.
Từ lý do "trên trời" đó, năm 2003, ông Cò xin cấp QSDĐ tại thửa số 60, diện tích đo đạc thực tế 14.290 m2, tờ bản đồ 4-1, xã Mỹ Thạnh Tây và khai thửa đất này có nguồn gốc từ người chú ruột tên Nguyễn Văn Tưng, nay bỏ hoang, do Nhà nước quản lý. Ấy vậy mà ông Cò lại được UBND huyện Đức Huệ ra Quyết định 93/QĐ-UB ngày 7-1-2003 cấp QSDĐ.
Năm sau, ông Cò lại được cấp thêm QSDĐ tại thửa số 54, diện tích đo đạc thực tế 8.556m2, tờ bản đồ số 4-1. Sau khi hoàn thành thủ tục cấp QSDĐ thửa đất trên huyện mới phát hiện đã cấp nhầm thửa nên thu hồi lại sổ đỏ vừa cấp. Không hiểu vì lý do gì đến năm 2006, ông Cò lại được UBND huyện Đức Huệ cấp lại QSDĐ (số AI 587929, ký ngày 5-9-2007). Tuy nhiên, thửa đất số 54 này là của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sai.
Chúng tôi đem thắc mắc trên hỏi ông Bảy Sánh thì được biết: "Đúng lý ra trước khi cấp sổ đỏ cho bất kỳ hộ gia đình nào, chính quyền địa phương phải xuống đo đạc diện tích, tìm hiểu xem có bị tranh chấp không. Đằng này cứ bỏ ra 500 ngàn đồng cho Thương địa chính là có ngay một cuốn sổ đỏ”.
Không hiểu sao kẻ "mua bán" QSDĐ đã đi tù nhưng những QSDĐ bị cấp sai vẫn không được chính quyền rà soát lại để chỉnh sửa?
Địa chính làm sai, người dân gánh chịu?
Sau khi có trong tay hai QSDĐ thửa số 54 và 60 (đất đang canh tác của bà Sai để lại cho con gái là bà Lóng), ông Cò vẫn không về địa phương lập nghiệp, bởi ông đã sinh sống ổn định ở Tây Ninh.
Đến năm 2011, ông Cò bất ngờ gởi đơn khiếu nại đến huyện Đức Huệ đòi lại phần đất trên giấy tờ "QSDĐ mua bằng tiền". Và điều vô lý tiếp theo đã xảy ra khi Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Huệ căn cứ vào hai quyết định cấp QSDĐ của ông Cò, buộc bà Lóng giao hai thửa số 54 và 60 đang canh tác ổn định nhiều năm qua cho ông Cò (bản án số 15/2013/DS-ST ngày 22-8-2013).
Không đồng thuận với cách giải quyết trên, bà Lóng kháng án lên TAND tỉnh Long An. Sau khi xác minh, TAND tỉnh phát hiện nhiều khuất tất trong bản án số 15. Cụ thể, phiên tòa này xác định: "Thực tế trong thời điểm xin cấp QSDĐ đến nay, hộ ông Cò không sinh sống hay canh tác gì trên thửa đất đó. Riêng hộ bà Lóng đã có công cải tạo đất sản xuất không có hiệu quả thành đất sản xuất có hiệu quả và canh tác ổn định tại địa phương nhiều năm qua" (bản án số 03/2004/DS-PT Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Long An, ngày 2-1-2014).
Trong phiên phúc thẩm này, TAND tỉnh Long An đã tạo ra điều vô lý thứ ba khi quyết định: "Hộ bà Lóng trả lại cho ông Cò giá trị 1/2 QSDĐ theo giá trị đã định tại tòa án cấp sơ thẩm", đồng nghĩa hộ bà Lóng muốn tiếp tục sử dụng mảnh đất đang canh tác phải trả cho ông Cò 159.922.000 đồng, được hóa giá từ 22.846m2 đất tranh chấp, theo bản định giá ngày 18-7-2012. Đồng thời, hai bên phải chia đều án phí thụ lý.
Bà Lóng đặt vấn đề: "Ông Cò xin cấp sổ đỏ nhầm vào hai thửa đất của mẹ tôi để lại, không hiểu sao UBND huyện Đức Huệ cấp sổ đỏ cho ông này lại không hề thông báo cho chúng tôi biết, trong khi chúng tôi đang trực tiếp canh tác tại phần đất trên?".
Thực tế đã chứng minh, Thương đã phải trả giá bằng những năm tù tội do rao bán nhiều giấy chứng nhận QSDĐ. Đáng lý chính quyền phải thu hồi tất cả những QSDĐ mà ông cán bộ địa chính này cấp phát tùy tiện, thế nhưng tòa án lại căn cứ vào hai QSDĐ bất hợp pháp để xử lý vụ tranh chấp là điều khó hiểu?
Theo thực trạng thì thửa đất số 54 hoàn toàn thuộc về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sai và bà Lóng liên tục cải tạo, sử dụng cho đến nay, không lý do gì phải "chia hai" với ông Cò.
Riêng thửa đất số 60 cho dù có một quãng thời gian thuộc về chú của ông Cò nhưng sau đó bỏ hoang, bà Lóng đã cải tạo thành đất thuộc và sử dụng ổn định một thời gian dài, đột ngột ông Cò đòi tranh chấp là điều vô lý. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần xem xét lại nguồn gốc của phần đất trên để xử lý công minh, đem lại lợi ích chính đáng cho những người con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sai.