Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 490 ngày 26/10/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đã bố trí 65 triệu m3 vật liệu cho các dự án khu vực phía Nam
Theo thông báo kết luận, ĐBSCL từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông của vùng đã chuyển biến rất tích cực. Hiện toàn vùng có 120km đường bộ cao tốc đã đưa vào khai thác, có 428km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025.
Đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngoài ra, có 215km cao tốc đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư để sớm hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và cả nước, đồng thời, mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, mang lại lợi ích cho các địa phương...
Quá trình triển khai các dự án trong thời gian qua, các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã tháo gỡ được khó khăn, giải quyết được vướng mắc, cơ bản bố trí được nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam với khoảng 65 triệu m3; công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ với trên 90% mặt bằng được bàn giao, nhiều dự án đã hoàn thành 100%...
Mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.
Để đạt được mục tiêu đề ra, về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án cao tốc.
UBND tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để cơ bản hoàn thành và bàn giao cho dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
UBND TP Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nút giao Lộ Tẻ để bàn giao cho dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải cùng với tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ tái định cư đối với khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên địa bàn, không để xảy ra khiếu kiện làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu các phần việc trên phải thực hiện xong trong tháng 10/2024.
Không để xảy ra tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có nguồn vật liệu đá như An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) để ưu tiên cấp đá cho các dự án trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu thông thường, nguồn cấp phối đá dăm.
Đã bố trí 65 triệu m3 vật liệu cho các dự án khu vực phía Nam
Chủ tịch UBND các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao. Cũng như đã cam kết về trữ lượng, công suất khai thác, bảo đảm hoàn thành các thủ tục cấp phép để thực hiện khai thác toàn bộ các mỏ trong tháng 10/2024.
Các địa phương kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá khi nhu cầu vật liệu san lấp tăng cao.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn các địa phương về thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; chủ động hướng dẫn tỉnh An Giang đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ đá Antraco, hoàn thành cấp phép trong tháng 12/2024; sớm giao khu vực biển cho các nhà thầu dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đồng thời tiếp tục cùng với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương và các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho một số dự án hạ tầng giao thông.
Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát được yêu cầu bám sát công việc, chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các địa phương, các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường.
-
Nam Định thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc
Tỉnh Nam Định sẽ thí điểm dùng cát biển đắp nền đường dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn đường dài khoảng 8 km, qua địa bàn tỉnh này.
-
Chậm nhất tháng 10/2024 hoàn thành cấp phép mỏ để cung ứng vật liệu cho các dự án cao tốc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm và hoàn thành toàn bộ các thủ tục cấp phép mỏ, chậm nhất trong tháng 10/2024 để cung ứng vật liệu cho các dự án.
-
Thị trường kim loại lao dốc vì sức ép vĩ mô, giá bạc rơi khỏi mốc 30 USD/ounce
Theo MXV, bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, giá các mặt hàng kim loại cũng chịu áp lực trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu giảm từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới....
-
Hàng triệu mét khối vật liệu sau nạo vét sông được tỉnh Quảng Nam đem bán, giá từ 144.000 đồng/m3
1,3 triệu m3 vật liệu cát từ dự án nạo vét để khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò sẽ được tỉnh Quảng Nam tiếp tục đấu giá với mức giá khởi điểm từ 144.000 đồng/m3.
-
Nhìn lại năm 2024: Áp lực chi phí khiến giá vật liệu xây dựng “dậy sóng”
Trong bối cảnh tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá. Điều gì khiến giá vật liệu xây dựng "dậy sóng" giữa cơn trầm lắng?...