Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội.
Chính phủ đồng ý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 154 dự án điện tái tạo trên, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11. Tại hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đưa ra quan điểm, nguyên tắc chung để giải quyết, gỡ vướng nhất là với các bên không cố ý vi phạm.
“Các dự án cụ thể sẽ giao cho địa phương chủ động cùng doanh nghiệp giải quyết theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Các sai phạm cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan, không hợp thức hóa sai phạm nhưng có giải pháp, có cơ chế, chính sách để giải quyết” Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu cầu gỡ khó cho 154 dự án điện năng lượng tái tạo trước 31/1/2025
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ, việc phải tháo gỡ ngay các vướng mắc để triển khai, đưa vào khai thác sử dụng đối với các dự án điện năng lượng tái tạo là yêu cầu khách quan, bức thiết.
Các dự án điện năng lượng tái tạo nếu không tháo gỡ để đưa vào vận hành sẽ gây lãng phí về nguồn vốn đã đầu tư; lãng phí nguồn điện, không bổ sung được nguồn điện trong khi chúng ta đang rất cần, nhất là giai đoạn 2026-2030.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và thời gian tới. Các giải pháp tháo gỡ được các bộ, ngành, cơ quan địa phương thống nhất rất cao, Chính phủ đã thông qua nên cần phải quán triệt tổ chức thực hiện ngay, khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%. Sản lượng điện phát của năng lượng tái tạo (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng chủ trương phát triển năng lượng tái tạo mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Do đó, quá trình thực hiện phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.
Lần gỡ vướng này, Chính phủ thống nhất cho phép bổ sung vào quy hoạch các dự án điện tái tạo từng bị thanh tra. Tuy nhiên, điều kiện là các dự án này không vi phạm quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng sẽ được nhà chức trách cho phép hoàn thiện theo quy định.
Còn dự án vi phạm quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng sẽ phải đánh giá lại hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và dự án để điều chỉnh. Phương án có thể tính tới là cho tích hợp, thực hiện đồng thời dự án năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.
Đối với các dự án hưởng giá FIT vi phạm do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi sẽ phải xác định lại giá mua bán điện, thu hồi tiền giá FIT qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
“Thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết minh bạch, không đùn đẩy hoặc xử lý vòng vo, sách nhiễu. Việc tháo gỡ được coi là hợp pháp khi cấp có thẩm quyền đồng ý và phải dứt điểm trước ngày 31/1/2025”, Thủ tướng nêu rõ.
-
Được bán tới 20% công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà, trình Chính phủ ban hành trong tuần tới. Đồng thời lưu ý nghị định cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về điện mặt trời.
-
Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương triển khai, hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2030.
-
Ngành điện hạt nhân ở Việt Nam đón tin vui, Nga sẵn sàng hỗ trợ
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Nga đã hợp tác với nhiều nước trong phát triển điện hạt nhân và sẵn sàng tham gia xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam.
-
“Ông lớn” năng lượng Mỹ thông tin về dự án nhà máy nhiệt điện 2,1 tỷ USD tại Ninh Thuận
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện Tập đoàn AES (Mỹ) đã báo cáo về tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II mà tập đoàn này đang đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận....