09/10/2024 9:01 PM
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 14/10. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6 - Ảnh Báo Chính phủ.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân hồi giữa tháng 8. Hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Sau 74 năm, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác.

Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).

Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 133,09 tỷ USD; năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD; năm 2022 đạt 175 tỷ USD; năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD theo số liệu của hải quan Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 94,5 tỷ USD; số dự án FDI nửa đầu năm nay tiếp tục đứng đầu với 447 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD.

Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Trong số đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 3/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 27,64 tỷ USD với 4.418 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Riêng trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%); trong quý 1/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án có vốn FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 27,8%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.