Thị trường bất động sản có xu hướng tập trung vào người giàu, trong khi sản phẩm cho người thu nhập thấp rất hiếm. Ảnh: VNN
Dòng tiền chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản cho người giàu
Báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc chiều 18-5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Thời gian qua chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương, nhưng đã được kiểm soát kịp thời.
Cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra. Nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thời gian tới, Bộ Xây dựng tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho công tác quản lý phát triển đô thị và đẩy mạnh phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Đặc biệt nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167, để khắc phục vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những phần việc Bộ Xây dựng đã thực hiện rất tốt thời gian qua, nhất là việc phát triển độ thị, nhà ở và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, thị trường bất động sản thời gian qua chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý.
Thủ tướng nhận định dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu. Quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội đã chưa thực hiện tốt.
Một trong những hạn chế Thủ tướng chỉ ra với Bộ Xây dựng nữa là các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội, nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phải có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương. Phát triển thị trường bất động sản phải gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý. Nhà ở phải gắn với mức giá phù hợp cho các đối tượng khác nhau, trong đó rất coi trọng phát triển nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.
“Phải điều tiết thị trường bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự. Người có tiền mua để đấy không sử dụng, trong khi người thu nhập thấp thiếu nhà ở”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn. Thủ tướng cho rằng chỉ như vậy mới huy động được các nguồn lực cho phát triển nhà ở và bảo đảm công bằng xã hội.
Không để tư nhân làm quy hoạch
Thủ tướng lưu ý việc quy hoạch đô thị phải gắn với mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút dân cư, dứt khoát không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Ảnh: TTVH
Về quy hoạch, Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch đô thị phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, phù hợp xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, phải có lớp lang, khắc phục những nhược điểm, những hạn chế về tiến độ và chất lượng.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh dứt khoát không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị.
“Còn nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro. Việc triển khai cơ chế hợp tác phải hết sức linh hoạt, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Không nên đặt ra mức tối thiểu để huy động nguồn lực xã hội, mà “thu hút được 1 đồng vốn tư nhân cũng quý”.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng phải khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển.
Về xây dựng chung cư cũ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý các chung cư cũ có mật độ dân số rất đông, phần lớn cư dân là hộ nghèo, nhiều gia đình chính sách. Vì thế, cần xác định việc cải tạo các chung cư cũ không chỉ vì mục đích kinh doanh, mà còn hướng tới an sinh xã hội, bảo đảm và nâng cao đời sống người dân. |
-
TP.HCM: Nhà ở bình dân "biến mất", căn hộ 1,5 tỷ đồng hầu như "tuyệt chủng"
Muốn mua chung cư giá "bình dân" tại TP.HCM khó như "mò kim đáy biển". Căn hộ 2 phòng ngủ dưới 1,5 tỷ đồng/căn hầu như đã "tuyệt chủng".
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).