Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dự kiến được ban hành cùng thời điểm với Nghị quyết 01 (do đó, sẽ được lấy số 02 thay cho Nghị quyết 19 trước đây).
Dự thảo nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày, kế thừa phương châm hành động của năm 2018 đối với các nội dung "kỷ cương, liêm chính, hành động", coi đó là phương châm xuyên suốt cả nhiệm kỳ của Chính phủ. Năm 2019 sẽ là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển, chuẩn bị "về đích". Nghị quyết đưa ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu với 42 nhóm giải pháp cụ thể.
Các ý kiến cho rằng, bứt phá về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, bứt phá để làm sao tăng trưởng mạnh mẽ hơn, làm sao đưa cách mạng 4.0 vào cuộc sống. Đó cũng là sự bứt phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong hành động - một khâu quan trọng cần sự bứt phá mạnh mẽ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 01 không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về kinh tế-xã hội mà là quyết tâm chính trị, khát vọng phát triển của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành.
Theo thủ tướng, trong bối cảnh năm 2019 kinh tế thế giới được dự báo chậm lại, có nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta có phát triển nhưng sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, trong khi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đặt ra các yêu cầu cao hơn, buộc chúng ta thực hiện đầy đủ hơn các cam kết quốc tế đã ký.
“Nếu các địa phương, doanh nghiệp, người dân không sẵn sàng thì sẽ thất bại, sẽ biến các lợi thế từ các FTA thành bất lợi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phương châm hành động năm 2019, Thủ tướng cho rằng, bứt phá đầu tiên là thể chế. Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2019, theo Thủ tướng, cần làm rõ 3 nội dung. Một là nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Hai là xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ, nhấn mạnh đây là nền tảng để tạo nên bộ máy nói không với tiêu cực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Mọi cấp, mọi ngành, nhất là cấp trung gian, cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến người dân phải làm tốt khâu này, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Ba là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Thủ tướng, nghị quyết cần thể hiện rõ ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên nhất quán, là nền tảng phát triển nhanh, bền vững; lưu ý quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả.
Về ngân sách nhà nước, cần tập trung chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi tiêu, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Có giải pháp cụ thể hơn nữa tăng cường quản lý tài sản công, các loại tài nguyên, nhất là đất đai. Cần nói rõ quy định nghiêm túc về đấu thầu, áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch.
Đối với nội dung xuất nhập khẩu, cần thể hiện rõ hơn các nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là thông tin kịp thời hơn tình hình trong nước và quốc tế, theo dõi sát diễn biến tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước, đưa vào mục tiêu phấn đấu cân bằng và thặng dư thương mại bền vững.
Đối với vấn đề kết cấu hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai xây dựng một số công trình tạo động lực cho phát triển, và điều rất quan trọng là huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu bổ sung nội dung về khoa học công nghệ, áp dụng mạnh mẽ kỷ nguyên số, thanh toán điện tử… coi như một đột phá chiến lược hay “một danh mục trong bứt phá”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về cơ cấu lại đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại tổ chức tín dụng, năm 2019 phải tạo chuyển biến căn bản về lĩnh vực này với tinh thần hiệu quả, cả về số lượng và chất lượng.
Đối với dự thảo Nghị quyết 02, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trọng tâm điều hành của Chính phủ về môi trường đầu tư. Cần nêu rõ đặc điểm tình hình năm 2019, từ đó đặt ra yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
“Một số tổ chức quốc tế đánh giá vấn đề chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân nhưng chất lượng công tác quản lý hành chính nhà nước có ý nghĩa quan trọng”, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tập trung nâng cao chất lượng quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt là chất lượng xây dựng, hoạch định chính sách và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, các tỉnh cần có chương trình hành động thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02 chứ không phải ông làm, ông không làm, Thủ tướng nhấn mạnh.
-
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Tăng trưởng năm 2019 có thể vượt 7%
CafeLand - Khi được hỏi về dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đưa ra nhận định trên tại buổi hội thảo "Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản 2019" do Chuyên trang Đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức ngày 11-12.