Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Phải quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu nhưng trên tinh thần không sử dụng ngân sách nhà nước".
Một nguồn tin cho VnExpress biết, cuộc họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang diễn ra tại Văn phòng Chính phủ, trong đó nội dung trọng tâm là nợ xấu và lãi suất.
Nợ xấu tiếp tục gia tăng dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý, lãi suất đã giảm nhiều so với thời đỉnh cao nhưng vẫn cao so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Đây là lý do Thủ tướng phải tiến hành họp riêng ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ vừa kết thúc hôm qua và chính Thống đốc đã có phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ đề này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu. Số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,61%.
"Với tốc độ xử lý hiện nay, quyết tâm của các tổ chức tín dụng, đến cuối năm nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng sẽ ở trên 3% một chút, còn số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ về 6%", Thống đốc cho biết. Vào thời điểm bắt đầu tiến hành xử lý, tỷ lệ nợ xấu theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là 8%.
Thống đốc lý giải nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Bản thân các ngân hàng cũng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.
Để nợ xấu được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất tăng vốn điều lệ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) gấp 4 lần hiện nay lên 2.000 tỷ đồng, đồng thời đề xuất xây dựng một hành lang pháp lý cùng với các công cụ, cơ chế hiệu lực lớn cho VAMC.
Liên quan tới tình hình cung ứng vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng tăng gần 7% và nhiều khả năng cả năm sẽ đạt chỉ tiêu 12-14% đã đề ra. Lãi suất cho vay theo cơ quan này cũng đã về mức hợp lý, các lĩnh vực ưu tiên phổ biến là 7-8% một năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9-10% đối với ngắn hạn; 10,5-12% đối với trung và dài hạn. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%. Các khoản vay vẫn chịu lãi suất trên 15% hiện chỉ chiếm hơn 4% tổng dư nợ.
Tuy nhiên một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp nhất 10 năm qua và cả năm nay chỉ dao động quanh 5%, lãi suất có thể giảm hơn nữa, giúp nền kinh tế có cơ hội hưởng chi phí tài chính hợp lý và doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất kinh doanh trở lại.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với tháng 12/2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dự báo cả năm GDP có thể tăng 5,8%, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên trong phiên họp thường kỳ diễn ra trong 2 ngày cuối tháng 9, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu còn yếu, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nợ xấu còn cao; cân đối ngân sách khó khăn, chi thường xuyên ở mức cao và có xu hướng tăng; tái cơ cấu còn chậm; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp... Chính phủ cũng kiểm điểm sâu sắc về tình hình sức khỏe cũng như khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vì vậy Thủ tướng yêu cầu có các giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.