Theo Thủ tướng, 2 năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt, trong đó 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng ở mức cao nhất trong 7 năm. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang đặt ra những thách thức mới cho các mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các thành viên Hội đồng tư vấn đóng góp ý kiến cho Chính phủ để có quyết sách, giải pháp mới điều hành kinh tế-xã hội. Cụ thể, với mức tăng trưởng như hiện nay và các kịch bản tăng trưởng thời gian tới, lạm phát như thế nào và đánh đổi là gì trong trước mắt, trung, dài hạn? Giải pháp nào để đạt được mục tiêu đề ra?
Trước số liệu CPI tháng 6 tăng mạnh, 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước, tạo sức ép lạm phát lớn, Thủ tướng đặt vấn đề phải sử dụng đồng bộ các công cụ như thế nào, thời điểm, liều lượng ra sao?
Thủ tướng cũng đặt vấn đề cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các đối tác khác tác động thế nào đến Việt Nam trong bối cảnh nước ta có trao đổi thương mại lớn với hai quốc gia này, nhất là về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, đầu tư nước ngoài…
“Chúng ta tính toán xem có xảy ra chiến tranh tiền tệ không và đối sách của Việt Nam như thế nào khi hiện nay có thông tin Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khoảng 4%”, Thủ tướng nói.
Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phát huy nội lực và thị trường trong nước; ổn định lãi suất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, chứng khoán; đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giải phóng sức sản xuất, coi thể chế, chính sách là động lực tăng trưởng…
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không để tình trạng bị động, bất ngờ xảy ra đối với điều hành chính sách tiền tệ; không để mất đà tăng trưởng. Nhà nước sẵn sàng can thiệp những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm đất nước phát triển ổn định. Đến nay, chưa đặt vấn đề điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, kể cả chỉ tiêu lạm phát.
Trao đổi với các thành viên Hội đồng, Thủ tướng khẳng định tiếp tục kiên định các mục tiêu đề ra mà Đảng, Quốc hội đã giao Chính phủ điều hành, không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2018, các cấp, các ngành cần nỗ lực đổi mới, cải cách thực sự, hoạt động hiệu quả hơn, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
Một số mục tiêu chính trong điều hành kinh tế xã hội đã được Chính phủ đặt ra từ đầu năm và Quốc hội đã thông qua là: Tăng trưởng GDP đạt 6,5-6,7% (Quốc hội đề ra phấn đầu đạt được 6,8%) cho năm 2018; Lạm phát dưới 4%; Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức 17%.
Gần đây nhất, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 6,6% trong năm 2018; trong khi lạm phát giữ ở dưới mức mục tiêu 4%. Thặng dư thương mại có thể giảm dần trong trung hạn, song dự trữ ngoại tệ sẽ đủ cho khoảng 2 - 3 tháng nhập khẩu.
-
IMF: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ đạt mức 6,6%
CafeLand – Trong Báo cáo tư vấn thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 6,6% trong năm 2018, trong khi lạm phát giữ ở dưới mức mục tiêu 4%.