21/10/2024 8:09 PM
Thủ tướng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm 2025, thậm chí cao hơn để tăng xếp hạng quy mô nền kinh tế và GDP bình quân đầu người đạt 4.900 USD.

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2024, kế hoạch năm 2025.

Thủ tướng: GDP bình quân đầu người năm 2025 dự kiến đạt 4.900 USD- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Phấn đấu tăng trưởng GDP ở mức cao 7-7,5%

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Các Bộ, ngành bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo" và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Mục tiêu vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế…

Trong năm 2025, một số chỉ tiêu kinh tế được Chính phủ đặt ra là tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%.

11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Kiểm soát tốt nguồn cung, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường xúc tiến thương mại; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng cũng đặt mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Nâng cao chất lượng tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Với chính sách tài khóa, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý.

Cũng trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu... Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu.

“Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2025”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mục tiêu thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, hydrogen. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo...

Ngoài các nhiệm vụ, mục tiêu kể trên, Chính phủ cũng dự kiến đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”, nhất là đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới. Hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.