Cùng dự hội nghị tại các điểm cầu có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành, một số địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư của 154 dự án năng lượng tái tạo.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến thời điểm này, chúng ta xác định có thể hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó tăng trưởng GDP khoảng hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng khoảng 8%.
Chỉ số tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo tổng GDP toàn xã hội, GDP bình quân đầu người, tăng năng suất lao động và nhiều chỉ số khác. Thực tiễn cho thấy mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện năng.
Thủ tướng chủ trì hội nghị về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh VGP
Thủ tướng cho biết, thời gian qua có những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng. Nguồn lực này cũng rất lớn, cần nhanh chóng triển khai đưa vào khai thác sử dụng trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện. Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.
Việc phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió triển khai nhanh, có tích cực nhưng cũng có khó khăn, vướng mắc, có cả sai phạm.
Các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể; cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Ngày 7/12/2024, Chính phủ đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Thủ tướng khẳng định, chúng ta không hợp thức hóa những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Đây là sự nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đã lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm giải quyết, tháo gỡ.
“Chính phủ quyết định triệu tập hội nghị hôm nay với các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để thống nhất quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp, chất lượng, mục tiêu, lộ trình, trên cơ sở đó cùng nhau giải quyết”, Thủ tướng cho biết.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu.
“Chính phủ ra chủ trương tháo gỡ, các địa phương phải cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không ai phải chạy chọt gì cả. Đặc biệt, nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải đi xử lý, mất người, mất của, mất thời gian, mất niềm tin, mất cơ hội. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm.
-
Năng lượng tái tạo là xu thế không chỉ của Việt Nam mà của toàn cầu. Trong xu thế đó, Việt Nam đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo. Đến nay, tổng số các dự án điện năng lượng tái tạo đã đầu tư của Việt Nam đang chiếm khoảng 20% tổng năng lượng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 350.000 tỷ đồng.
-
Doanh nghiệp FDI có hơn 3.000 lao động làm việc tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực điện gió
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo Doosan Vina mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm các cơ hội, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tron...
-
Các dự án điện lớn trên cả nước đang được triển khai đến đâu?
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Không còn lý do để trì hoãn, nếu tiếp tục trì hoãn Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Chính phủ thu hồi....
-
Nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lên tới hàng nghìn người
Việt Nam cần khoảng 2.400 nhân lực trong trường hợp tái triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.