Thị trường bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Đăng Thy
Mở đầu phần chia sẻ, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch HoREA nhận định, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với các gánh nặng đó là lãi suất, thủ tục hành chính, tiền sử dụng đất và có cả lý do đến từ phía các doanh nghiệp “thấy khó không la lên” để các cơ quan ban hành điều chỉnh kịp thời.
Trong đó, thủ tục là một trong những gánh nặng đang “đè” lên vai doanh nghiệp. Ông Đực cho biết, trước năm 2006, tức là trước khi có Nghị định 90 thủ tục đơn giản chỉ cần có phê duyệt 1/500, thời gian đầu tư để khởi công 1 dự án là từ 1 đến tối đa là 2 năm. Nhưng từ khi có Nghị định 90 thì thời gian đầu tư dự án tốn thêm 1 đến 2 năm nữa. Và đến khi Nghị định 64, Nghị định 15 chúng ta phải có quyền sử dụng đất, phải đóng tiền sử dụng đất và thẩm tra thiết kế, duyệt thiết kế,... thời gian lại thêm kéo dài.
Nếu chúng ta giảm được 20 – 30% thời gian làm thủ tục hành chính thì sẽ tiết kiệm được một khoảng tiền đáng kể, vì vậy nên có “kế hoạch hóa” thủ tục, nếu có thủ tục này thì phải tiết giảm thủ tục khác, ông Đực đề xuất.
Cùng quan điểm với ông Đực, ông Vũ Đức Huy – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh địa ốc Công ty Cổ phần địa ốc Cáp điện Thịnh Phát cho rằng, thủ tục khiến doanh nghiệp phải khó khăn, thậm chí lao đao.
Vì vậy ông đề xuất, sở ban ngành cần có “barem” thủ tục để doanh nghiệp làm theo, ví dụ để xin cấp phép đầu tư dự án thì cần phải làm những bước nào chứ không phải là căn cứ văn bản này, Nghị định kia khiến doanh nghiệp không thể nắm bắt hết được, dẫn đến phải chỉnh sửa rất nhiều lần mới được một bộ hồ sơ đúng chuẩn.
Bên cạnh vấn đề thủ tục, một thành viên HoREA đề xuất, thị trường bất động sản trải qua những thời kỳ thăng trầm như vừa qua là do thiếu thông tin, do đó, Sở Xây dựng cần thống kê và công bố cụ thể có bao nhiêu dự án đang nộp lên Sở Xây dựng để xin giấy phép từ, trong đó công ty A bao nhiêu nghìn căn, công ty B bao nhiêu nghìn căn, ở đâu. Việc này giúp các nhà phát triển bất động sản có cái nhìn tổng quát để quyết định xem có tiếp tục làm hay không, tránh tình trạng ai cũng chen nhau làm bất động sản thì tới một lúc nào đó nguồn cung bất động sản quá lớn trong khi nguồn cầu ngày càng ít đi thì bất động sản sẽ đóng băng trở lại.