Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, dòng vốn lớn từ mô hình tiết kiệm nhà ở đổ vào thị trường khiến cầu thực tăng lên, nhờ vậy bất động sản sẽ được hỗ trợ.

- Ông đánh thế nào về tính khả thi của mô hình tiết kiệm nhà ở khi mặt bằng thu nhập của Việt Nam hiện còn thấp hơn nhiều nước?

- Kể cả các chính phủ giàu có như Mỹ, Đức cũng không thể thể bao cấp về vấn đề nhà ở. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ một phần. Đơn cử, ở cộng hòa liên bang Đức, ngay sau đại chiến thế giới lần thứ 2, người dân rất nghèo thậm chí kiệt quệ nhưng họ đã ra đời mô hình tiết kiệm nhà ở.

Việt Nam lương thấp, nhiều hộ gia đình phải vay ngân hàng thương mại để mua nhà. Thậm chí lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng tới 6%, người dân vẫn muốn vay và nhu cầu vay vẫn rất lớn. Thu nhập của người dân thấp nhưng trung bình khoảng 10 năm lại tăng gấp đôi, do đó họ vẫn có cơ hội. Tôi cho rằng, mô hình tiết kiệm này rất có tính khả thi.

- Theo ông lãi suất của mô hình tiết kiệm này khoảng bao nhiêu để hấp dẫn người dân?

- Lãi suất cho vay ở một số ngân hàng tiết kiệm của Trung Quốc chỉ khoảng 3% còn thấp hơn 6% hiện nay Chính phủ ưu đãi rất nhiều. Tất nhiên lãi suất phải thấp nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn là phải ổn định, không được phép thay đổi trong suốt thời gian vay và tiết kiệm. Do luật pháp kiểm soát nên mô hình tiết kiệm này rất an toàn. Ngân hàng chỉ cho cho những người muốn mua nhà vay và không đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro.

Thị trường bất động sản sẽ được hỗ trợ nhờ mô hình tiết kiệm nhà ở. Ảnh: Hoàng Lan

- Tuy được ưu đãi như vậy nhưng thực tế nhiều người nghèo vẫn phải chạy ăn từng bữa. Họ làm thế nào để có tiền tiết kiệm mua nhà thưa ông?

- Đúng là nhiều người còn phải loay hoay với cuộc sống hiện tại như lo chuyện ăn ở, học hành, chữa bệnh cho con cái. Việc lo cho ngày hôm nay còn đang rất khó khăn thì việc lo cho 5-10 năm chưa được nhiều người quan tâm lắm cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cùng sự phát triển của đất nước, mô hình tiết kiệm nhà ở phù hợp với chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Chúng tôi triển khai mô hình này theo hướng tránh sự ỷ lại và sự bao cấp của Nhà nước, bản thân mỗi hộ gia đình nghèo muốn có được chỗ ở đều phải tích cực tham gia.

Tâm lý người Việt Nam là muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Đời bố mẹ có thể chưa được hưởng nhưng nếu bây giờ chúng ta bắt đầu ngay thì đời con cháu có thể hưởng những hành quả tiết kiệm của bố mẹ. Dần dần chúng ta sẽ nâng cao được ý thức tiết kiệm cũng như tầm nhìn dài hạn hơn cho người dân.

Chúng ta phải bắt đầu, giải quyết từng bước một, khó khăn nảy sinh đến đâu chúng ta tìm cách giải quyết đến đó. Đây cũng là cơ hội để tăng cường tạo điều kiện, giáo dục cho người dân mình có ý thức tiết kiệm hơn trong chi tiêu để giải quyết các nhu cầu cơ bản cho gia đình mình.

- Vậy người nghèo phải tiết kiệm bao nhiêu thì mới mua được nhà ?

- Thực tế chúng ta có những căn hộ giá chỉ khoảng 200-300 triệu đồng do được Chính phủ miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế... Với mức thu nhập hiện nay, người dân chỉ cần tiết kiệm được 100- 150 triệu đồng, sau đó vay thêm 150 triệu đồng nữa thì hoàn toàn có thể trả được trong vòng 10 năm, mỗi năm trả 15 triệu đồng.

Đấy là những người nghèo ít tiền thì cứ gửi tiết kiệm và mua nhà ở xã hội. Những người giàu hơn thì gửi tiết kiệm và mua nhà ở thương mại. Chúng ta có nhiều dải nhà, nhiều hình thức khác nhau để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.

- Địa ốc hiện nay đang rất trầm lắng, theo ông mô hình tiết kiệm nhà ở này sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

- Tôi cho rằng, chắc chắn mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Mô hình này sẽ tạo được một dòng vốn bên cạnh vốn Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ huy động một dòng vốn rất lớn từ những người muốn mua nhà và chỉ tập trung vào nhà ở. Chúng tôi dự kiến rằng, dòng vốn này sẽ chủ yếu sẽ vào phân khúc nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cũng có những người không đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội nhưng người ta vẫn tiết kiệm để vay và mua nhà ở thương mại. Đây chính là một nguồn để cầu thực tăng lên. Dòng tiền này đương nhiên sẽ đổ vào thị trường nhà ở và sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.