Mua gom vì “anh em ở quê khó khăn”
Vừa qua báo chí có phản ánh việc Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên gom đất nông lâm trường Việt Mông ở xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội). Lãnh đạo bộ có yêu cầu Thứ trưởng Trần Qúy Kiên báo cáo, giải trình sự việc này, thưa ông?
Trong thời kỳ xem xét bổ nhiệm, Bộ TN&MT cũng đã biết việc này. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Chỉ có anh Kiên giải thích mới bảo vệ cho mình. Trước vấn đề này, tôi sẽ yêu cầu Thứ trưởng Trần Quý Kiên trực tiếp trả lời. Bởi như tôi vừa nói, đây là vấn đề cá nhân nên anh Kiên mới nắm rõ mọi thứ.
Tôi được biết, việc này liên quan đến gia đình Thứ trưởng Kiên, chủ yếu làm nông nghiệp ở Thái Bình. Anh Kiên làm như vậy vì ở quê anh em trong gia đình khó khăn nên đưa ra làm nông nghiệp, nuôi cá và làm ruộng.
Bộ trưởng có thể cho biết trong bảng kê khai tài sản, Thứ trưởng Trần Qúy Kiên có kê khai mảnh đất này?
Đương nhiên anh Kiên có kê khai. Nhưng phải nói thêm rằng, thực tế các nông trường được giao khoán đất trong khoảng thời gian nhất định. Thứ trưởng Kiên mua thời gian khoán còn lại (khoảng 20 năm) để khai thác đất đai theo đúng quy định của nông lâm trường.
Theo Bộ trưởng, việc Thứ trưởng Kiên “gom” đất có phù hợp với quy định hay không?
Thứ trưởng Kiên không làm việc với Nông trường Việt Mông, mà làm việc với người dân được giao khoán. Thực tế cũng không phải anh Kiên mua đất này để sở hữu, mà để canh tác theo đúng mục đích là sản xuất nông lâm nghiệp.
Sửa Luật Đất đai, “kỳ vọng” giảm khiếu kiện
Các vụ khiếu kiện thời gian qua chủ yếu liên quan đến đất đai. Được biết, Chính phủ đã giao Bộ chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai. Việc sửa đổi sẽ theo hướng nào và các vấn đề liên quan đến khiếu kiện về đất đai có được giải quyết khi sửa đổi lần này, thưa ông?
Các vấn đề đó đều được tính toán kỹ khi sửa đổi Luật Đất đai sắp tới. Trong đó có việc xác định giá đất, xem thế nào là giá thị trường, thế nào là giá đất phù hợp. Thứ hai, bộ sẽ tính toán, xem xét lại các công cụ quản lý nhà nước, các quy hoạch sử dụng đất đai thế nào cho phù hợp.
Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu đất đai, thu hồi đất đai, đền bù đất đai, đấu giá đất đai. Tại sao chúng ta chỉ thu hồi, tại sao chúng ta không tạo ra quỹ đất sạch để từ đó đấu giá như luật định? Hay tại sao luật đã định rồi mà không tổ chức đấu giá được? Điều đó đặt ra, phải làm sao có nguồn lực để đấu giá được.
Việc sửa đổi cũng làm sao để giải quyết được vấn đề tập trung đất đai, để cùng với đổi mới các mô hình kinh tế, mô hình sản xuất, hợp tác xã hoặc các hình thức khác để ứng dụng công nghệ vào sản xuất lớn. Làm sao để giải quyết các dự án cấp giấy phép, chậm tiến độ để lãng phí, hoang hóa đất đai… Có rất nhiều vấn đề phải đặt ra khi sửa đổi Luật Đất đai.
Bộ trưởng có kỳ vọng sửa đổi luật lần này sẽ giảm được tình trạng khiếu kiện?
Một trong những mục tiêu sửa đổi luật lần này là tạo ra sự hài hòa trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nâng cao hiệu quả nguồn lực đất đai, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội. Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, nhưng chính sách vẫn chưa đạt đến mục tiêu chúng ta mong muốn, thì lần này phải đặt ra.
Tất nhiên, có kỳ vọng thì mới làm, nhưng việc làm đó phải hết sức thận trọng trên cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, xem xét bối cảnh, tình hình thực tế của đất nước để giải quyết mọi việc…
Cảm ơn ông!
Trong thời kỳ xem xét bổ nhiệm, Bộ TN&MT cũng đã biết việc này. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Chỉ có anh Kiên giải thích mới bảo vệ cho mình. Trước vấn đề này, tôi sẽ yêu cầu Thứ trưởng Trần Qúy Kiên trực tiếp trả lời. Bởi như tôi vừa nói, đây là vấn đề cá nhân nên anh Kiên mới nắm rõ mọi thứ. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà |