Toàn cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai (Ảnh minh họa)
Được đầu tư rầm rộ
Nói về tiềm năng của Thủ Thiêm, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Điều hành của CBRE Việt Nam cho biết việc phát triển Thủ Thiêm sẽ tạo ra cơ hội để kết nối quỹ đất phía Đông của con sông với trung tâm hiện hữu của thành phố. Sở hữu một quỹ đất dồi dào, Thủ Thiêm là một địa điểm lý tưởng để phát triển một trung tâm tài chính, thương mại và đô thị mới cho TP.HCM trong bối cảnh quỹ đất phát triển tại khu trung tâm hiện hữu đang vô cùng thiếu thốn.
Nhận thấy tiềm năng này, từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều dự án của nhà đầu tư nước ngoài được đề xuất với UBND.TPHCM với hi vọng sẽ biến nơi đây thành trung tâm tài chính chứng khoán ngang tầm khu vực.
Cụ thể, đầu tháng 5 vừa qua một nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất thực hiện dự án trung tâm tài chính hội nghị TTP với tổng số vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Nhóm nhà đầu tư này bao gồm 3 doanh nghiệp Hoa Kỳ là Cantor Fitzgerald (tổ chức tài chính, đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính đã hiện diện tại hơn 30 thị trường trên thế giới), Weidner Resorts đơn vị đã phát triển và quản lý nhiều khách sạn, khu phức hợp nghỉ dưỡng và Steelman Partners đã có nhiều năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam khi tham gia thiết kế dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Happyland (Long An), ngoài ra Công ty Liên Thái Bình Dương (IPP) của vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn cũng tham gia dự án này.
Theo thông tin từ chủ đầu tư, trung tâm tài chính hội nghị TPP dự kiến sẽ được xây dựng thành một khu tổng thể, bao gồm tòa nhà cao 70 tầng, nhiều nhà thấp và các khu vui chơi giải trí khép kín trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô khoảng 11 ha.
Vừa qua, Liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và các Công ty Nhật Bản cũng vừa được UBND TP.HCM chấp thuận thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh (Eco Smart City) tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cụ thể Lotte cùng với 3 nhà đầu tư khác của Nhật Bản là Mitsubishi Corporation; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation sẽ rót khoảng 2,2 tỷ USD vào phân khu 2A trong Khu đô thị Thủ Thiêm, với diện tích 16,71 ha, nhằm biến khu đất này thành một tổ hợp các trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư… và tòa cao ốc 50 tầng.
Vào đầu tháng 3, Công ty TNHH Keppel Land đã kí kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City - đơn vị sẽ bỏ ra 1,2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát cao 86 tầng Empire City ở Khu đô thị Thủ Thiêm. Dự án Empire City gồm một tòa nhà cao 86 tầng, tổ hợp khách sạn 5 sao, khu dân cư, trên tổng diện tích gần 15 ha, dự án đã được khởi công vào tháng 10/2015 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Keppel Land xác nhận thương vụ này có giá trị 93,9 triệu đô la Mỹ, đưa Keppel Land trở thành cổ đông lớn nhất trong Liên doanh Empire City bên cạnh hai đối tác Việt Nam là Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái (hai công ty này góp 30% vốn) cùng Quỹ đầu tư Bất động sản tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông góp 30% vốn vào dự án.
Khó khăn với nhà đầu tư
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định kể từ khi Đại Quang Minh mở màn bằng dự án xây dựng 4 tuyến đường chính theo hình thức BT, đến nay Thủ Thiêm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những dự án quy mô lên tới hàng tỷ USD. Nếu được hoàn thiện đúng như đề xuất của nhà đầu tư, trong tương lai không xa, Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính của đất nước. Tuy nhiên, thành phố cần tạo cơ chế tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài để triển khai dự án.
Thực tế thủ tục hành chính phức tạp nên việc phê duyệt tại Thủ Thiêm vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Trong báo cáo của CBRE về cơ hội và thách thức khi đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xuất bản tháng 9/2015 có nhắc tới việc Thủ Thiêm đang được phát triển theo mô hình Phố Đông Thượng Hải. Tuy nhiên, CBRE cũng nhận định việc thực hiện theo mô hình đang gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, Chủ đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện là một công ty thuộc sở hữu Nhà nước (Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm) nhưng không nắm toàn quyền quyết định về tầm nhìn, ngân sách cũng như nhân sự cho dự án này. Mọi quyết định đều phải được Chính quyền Thành phố phê duyệt và thường mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, trọng tâm phát triển tại Thủ Thiêm là bất động sản thương mại và văn phòng. Tuy nhiên, ở bên bờ Tây Sông Sài Gòn đã có sẵn nguồn cung thương mại dồi dào hiện hữu với quy mô khá tương đồng. Việc triển khai thêm các dự án hiện nay song song bên bờ Tây (khu trung tâm hiện hữu) sẽ càng khiến hòn ngọc Thủ Thiêm mất điểm trong mắt các nhà đầu tư.
CBRE cho rằng để một dự án được ví như “Phố Đông của Sài Gòn” sớm đi vào hoạt động sẽ đòi hỏi phải có những quyết sách mới triệt để hơn. Thủ Thiêm cần được xác định là dự án ưu tiên cấp quốc gia và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía chính phủ. Đồng thời cần rút ngắn thời gian xét duyệt và cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sẽ giải tỏa được nhiều quan ngại cản trở quyết định đầu tư, giảm thiểu nguy cơ đầu cơ và ngăn giá đất không bị đẩy lên cao đến mức không thể chạm tới.