Thu nhập có thể lên tới 1 tỷ đồng/tháng dành cho nhân viên kinh doanh BĐS, rất nhiều môi giới “gạo cội” hay lãnh đạo sàn “ăn nên làm ra” phải kiểm tra xem họ có đọc đúng trang báo chính thống hay không. Đúng là báo “chuẩn” rồi, nhưng thông tin thì… khó tin quá.
Bản thân là người trong nghề trung gian, tư vấn BĐS chung cư từ giai đoạn sốt nóng đến nay, môi giới 35 tuổi trên Hoàng Tuấn (làm việc tại khu vực Hoàng Minh Giám) thốt lên như vậy, sau khi… đọc báo (!)
Nổ như môi giới
Đại để, có vị lãnh đạo “thâm niên” trong nghề hàng chục năm tiết lộ, mức lương cao nhất của một nhân viên kinh doanh công ty ông đạt tới hơn 3 tỷ đồng, nhờ bán được 4 căn biệt thự ở Long Biên chỉ trong vòng 1 tháng.
Đồng thời, nhân vật “giấu tên” trên còn “hoành tráng” cho biết với mức hoa hồng 3%, chỉ cần bán được 1 căn biệt thự 30 tỷ đồng, nhân viên kinh doanh (môi giới - PV) có thể lĩnh ngay gần 1 tỷ đồng.
Đối chiếu thực tế thị trường quý IV/2014, người lãnh đạo kia đang ám chỉ sản phẩm giúp môi giới thu về 3 tỷ đồng chính thuộc dự án Vinhomes Riverside (có trị giá khoảng 15 đến dưới 30 tỷ đồng/lô 200 - 500m2), Tuấn phỏng đoán.
Tuy nhiên, để khớp giao dịch một BĐS siêu sang kiểu này, người môi giới trung gian phải “đầu tư” thời gian chí ít 2 - 3 tháng. Đó còn phụ thuộc vào may mắn, cộng thêm khéo chiều khách, đẹp lòng người bán và yếu tố điểm rơi tài chính cuối năm. 4 biệt thự “trôi” trong 1 tháng, điều này chỉ xảy ra ở thời điểm “sốt ảo” vào năm 2009 - đại diện một văn phòng nhà đất ở Trần Duy Hưng đoán chắc.
Người trong nghề có thể nhận ra sự phi thực tế của lời phát biểu “trên mây” về thu nhập liên quan tới mức hoa hồng 3%/giao dịch dành cho nhân viên kinh doanh.
Như đã nêu, 1 căn biệt thự 30 tỷ đồng được giao dịch sẽ mang về cho người môi giới gần 1 tỷ đồng. Biệt thự 30 tỷ đồng, năm 2014, vốn chỉ lác đác ở Tp.HCM (dự án SaiGon Pearl nằm tại quận Bình Chánh là điển hình nhất). Còn lại, ở phía Nam, khu vực miền Trung, hay đắt đỏ như biệt thự ven hồ Tây (nội đô lịch sử Hà Nội), giá biệt thự chỉ tròm trèm ở 20 - 25 tỷ đồng.
website chính thức của Hoàng Gia Invest
Đáng nói, rất hiếm chủ nhân các căn biệt thự ở các phố “Tây” như Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai… chào bán. “Bởi chủ BĐS cao cấp đúng nghĩa thường là người khó tính và đặc biệt… ghét môi giới ồn ào. Do đó, nếu cần bán, họ chỉ chọn ti vi để quảng cáo. Được chủ nhà tin tưởng giao “độc quyền” cho căn biệt thự 10 tỷ đồng, môi giới nằm mơ cũng không thấy được”, nhân viên môi giới có tuổi nghề gần 10 năm ở khu vực đường Âu Cơ chia sẻ.
Như vậy, xác suất thành công của thương vụ biệt thự 30 tỷ hiện tại lại càng nhỏ. Chủ nhà khó tính, người mua còn kén cá chọn canh hơn gấp bội và không bao giờ chấp nhận loại sản phẩm chưa hoàn thiện toàn bộ.
Nguồn cung “khan”, sức cầu nhỏ giọt, môi giới thu về 3 tỷ đồng nhờ bán trọn vẹn 4 biệt thự trị giá trung bình 30 tỷ/sản phẩm (như nêu trên) chỉ là trong… tưởng tượng.
Đầy rẫy, thì may ra có những lời chào mời biệt thự Anh Đào (vị trí “siêu đẹp”, diện tích 200m2, đã có sổ đỏ) có giá chỉ 15 - 17 tỷ đồng và đủ loại biệt thự “cắt lỗ sâu” ở lô Bằng Lăng, Hoa Phượng, Hoa Lan đang “vẫy khách” suốt vài tháng qua với giá chưa vượt ngưỡng 25 tỷ đồng.
Những doanh nhân “chém gió”?
Xuất hiện trên mặt báo mới đây, phát biểu của nhân viên lẫn lãnh đạo của một vài đơn vị kinh doanh (sàn giao dịch), đầu tư BĐS đang ít nhiều gây tranh cãi trong dư luận người thạo địa ốc Hà Nội.
Trước hết, lược trích lại lời một nhân viên đến từ Hoàng Gia Invest, tháng thu nhập “khủng” của anh này cao nhất được 600 triệu đồng, do bán được 5 căn liền kề và 4 căn chung cư cao cấp trong 1 tháng.
Người này còn “bật mí” đã tốt nghiệp ngành quản trị ở Nhật Bản nhưng sau đó lại quyết theo nghề BĐS và đã có 2 năm kinh nghiệm. Tính nhanh, nhân viên kinh doanh này bắt đầu công cuộc “khai hoang” mảng dịch vụ địa ốc từ năm 2012 - giai đoạn “thoái trào” của BĐS cả nước. Vậy, không hiểu 5 căn liền kề, 4 căn chung cư cao cấp mà anh ta - một nhân viên chân ướt chân ráo - bán được trong 1 tháng, là thời điểm nào trong suốt 2 năm BĐS “nằm im”?
Tiếp tục, là nhân vật tên C., đại diện BĐS Hoàng Gia Invest (RIDIC) phân tích về độ quan trọng của kỹ năng mềm người môi giới: “việc quy định môi giới BĐS phải có bằng đại học là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là kỹ năng mềm”.
Trên website ridic.vn của DN này, dự án mới nhất mà đơn vị nhận tư vấn phân phối chính là Sapphire Palace số 4 Chính Kinh, với nội dung khá “nổ”: “Là đơn vị góp vốn đầu tư và được sự ủy thác trách nhiệm phân phối của chủ đầu tư, chúng tôi cam kết hỗ trợ 100% khách hàng, đưa khách hàng vào hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư”.
Đầu tháng 11, liên danh chủ đầu tư dự án đã “cấm cửa” Địa ốc Nhà vuông (tự nhận là độc quyền phân phối dự án). Không hiểu, vai trò của Hoàng Gia Invest tới đâu trong khâu phân phối dự án, nhưng với “pha” lên mặt báo, chí ít ông chủ Nguyễn Vũ Cao đã “tự nâng tầm” với rất nhiều môi giới đang vật vã bán hàng cho Kim Cương Xanh.
Lãnh đạo CenGroup cũng không kém phần “long trọng”, khi chia sẻ trên báo: Tố chất rất quan trọng, học giỏi chưa chắc đã phù hợp với việc bán hàng và kinh doanh hay có tố chất nhưng chưa đạt tập trung cao cũng khó thành, điều quan trọng đó là nhiệt huyết với nghề”…
Một điều ít ai nhận ra rằng, những lời đăng tuyển môi giới BĐS luôn xuất hiện đều đặn với tần suất dày (nhất là quý I, IV hàng năm). Đơn vị càng lớn (như CenGroup) thì càng “cần” nhiều người mới. Đơn giản, “nhân viên kinh doanh không yêu cầu tốt nghiệp trường nào, đủ mọi ngành nghề đều có thể làm BĐS, chỉ yêu cầu có tâm huyết với nghề”.