Khói thải của một nhà máy đường tại khu công nghiệp Nhơn Trạch Đồng Nai. Ảnh: THÀNH HOA
Việt Nam trong “tầm ngắm”
Mới đây, tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield (C&W) đã công bố một khảo sát, cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho hoạt động sản xuất khi leo lên vị trí đứng đầu bảng “Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong lĩnh vực sản xuất”. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục đem lại nhiều cơ hội cho những nhà bán lẻ và các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc C&W Việt Nam, bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam xét trên phương diện chi phí cạnh tranh, nhất là vào lúc loại chi phí này ở Trung Quốc ngày càng tăng. Ông Crane còn nhận định: “Trong tương lai, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ làm tăng tính cạnh tranh cho Việt Nam khi các loại thuế được giảm, mà còn đưa ra được các tiêu chuẩn giúp cải thiện việc đánh giá chuỗi cung ứng, tạo ra khuôn khổ tốt hơn cho các vấn đề như sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực”, ông Alex nhận định.
Trong khi đó, kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam quí 2-2015 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, cho thấy chỉ số này đạt 77 điểm so với 75 điểm của quí trước. Ông Michael Behrens, Phó chủ tịch EuroCham, nhận định: “Chúng tôi tin rằng kết quả này có liên quan tới việc kết thúc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA VN-EU)”.
Theo các doanh nghiệp được khảo sát, về tổng quan môi trường kinh doanh có 57% doanh nghiệp trả lời “tốt”, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số phản hồi, tăng đáng kể so với 45% của quí trước. Về chiến lược kinh doanh, kết quả khảo sát kế hoạch nhân sự, 48% doanh nghiệp (cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất) cho biết họ dự định tăng nhẹ số lượng nhân viên trong khi 35% doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì số lượng hiện tại. Có 41% doanh nghiệp cho biết họ dự định tăng nhẹ đầu tư vào Việt Nam, 39% có kế hoạch duy trì mức đầu tư hiện tại. 55 doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng số lượng đơn hàng/doanh thu tăng nhẹ. Đa số doanh nghiệp phản hồi thuộc các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam đang là sự lựa chọn hàng đầu nhờ có các yếu tố về lao động và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, khảo sát mới nhất của JETRO cho thấy Việt Nam là nước được lựa chọn nhiều nhất trong kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất theo chiến lược Thái +1 của doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở Thái Lan. Tương tự đối với nhiều doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở Trung Quốc đã và đang có chiến lược Trung Quốc + 1. Ông Yasuzumi nhận định Việt Nam có nguồn lao động trẻ và chi phí thấp. Việt Nam còn là thị trường lớn thứ ba khu vực Đông Nam Á với hơn 90 triệu dân và đang có cơ hội phát triển hơn nữa khi gia nhập vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN.
Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn kinh tế Keidanren (Nhật Bản), ông Mukuta Satoshi, người vừa đưa các doanh nghiệp thành viên của liên đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở TPHCM, cũng đưa ra nhận định tương tự: “Khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành thì Việt Nam càng trở nên quan trọng với tư cách là một cứ điểm kinh doanh trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Ngoài ra, theo giới phân tích, những cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ thông qua các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa có hiệu lực cùng với sự ổn định về chính trị và xã hội cũng là những điều kiện quyết định đối với việc xem xét đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các công ty đầu tư xuyên quốc gia.
Các địa phương có “thanh lọc” dự án?
Nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện thuận lợi gia tăng sức hút đối với dòng vốn FDI, vấn đề hiện nay của các địa phương Việt Nam là cần phải thực hiện “quyền lựa chọn” dự án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút dòng vốn này, không nên chạy đua ưu đãi đầu tư bằng mọi giá như thời gian qua.
Định hướng chung thu hút vốn FDI của Việt Nam mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nêu là phải chuyển dần sang coi trọng cơ cấu và chất lượng, thu hút các dự án có hàm lượng carbon thấp, công nghệ hiện đại, phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng cao, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi giá trị và nâng chất trong chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, việc phân cấp thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài cho chính quyền địa phương thời gian qua nảy sinh nhiều bất cập. Theo Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay), chủ trương phân cấp là nhằm tạo sự chủ động cho địa phương trong xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư..., song do năng lực thẩm định dự án của cán bộ một số địa phương bị hạn chế nên đã xảy ra tình trạng cấp phép đầu tư mà không bảo đảm các điều kiện cần thiết. Ðã có tình trạng một số nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án vốn hàng trăm triệu đô la Mỹ nhưng không thực hiện được, buộc phải trả lại giấy chứng nhận. Không chỉ vậy, có thời kỳ, các dự án xi măng, sắt thép, du lịch, bất động sản... quy mô lớn được cấp phép nhưng không phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch vùng.
Trên thực tế, có một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... đã dựng “hàng rào” đối với một số lĩnh vực, nhằm “gác cửa” ngăn những dự án có thể gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.
Dù vậy, trước tình trạng chung của việc phân cấp đầu tư “đại trà”, “dàn đều”, chưa tính đầy đủ những yếu tố đặc thù của địa phương về năng lực quản lý, trình độ cán bộ, quy mô kinh tế... nên còn không ít ý kiến lo ngại các địa phương sẽ tiếp tục cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, kể cả bằng việc ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định, thiên về lợi ích trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài, bảo vệ lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích quốc gia.
Giới phân tích cho rằng những giải pháp khắc phục sắp tới vẫn phải theo hướng phát huy quyền chủ động, sáng tạo của địa phương nhưng đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của luật pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về FDI. Trước mắt, việc phân cấp phải đi kèm với luật pháp, chính sách rõ ràng, đồng bộ; các quy định cụ thể về điều kiện phân cấp cùng hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ và địa phương phải được xây dựng đầy đủ, công khai để địa phương dễ dàng áp dụng trong quá trình thẩm định, quản lý, giám sát dự án. Mặt khác, cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm liên quan đến phân cấp cần phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.