17/03/2017 10:08 AM
Trước nghi ngại doanh nghiệp sau cổ phần hóa sẽ nắm giữ, "ôm" đất, do vậy, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyết sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp khi cổ phần là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo.
Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với nhiều điểm mới đã được Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thông tin cụ thể tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 16/3.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ biên tập thuộc Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015) với một số nội dung cơ bản.
Trước hết là điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá; xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước;
Đồng thời, chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá, về cơ bản chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp đã được kế thừa và duy trì qua các giai đoạn; về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 03 phương thức bán cổ phần hiện hành: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp, và dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ.
Ngoài ra, điểm mới của dự thảo cũng đưa vào nội dung tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp.
Sẽ thu hồi đất thừa sau cổ phần hóa
Theo ông Nguyễn Duy Long, vấn đề quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đó chính là việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
Tại dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quy định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Khi thực hiện phê duyệt Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước đã phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch; những diện tích đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục sử dụng đã được tính toán, hướng dẫn đảm bảo phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành
Nói thêm về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, trước hết các hoạt động về đất sẽ phải tuân theo Luật đất đai.
Cụ thể, dự thảo Nghị định mới yêu cầu các doanh nghiệp quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương.
Ông Tiến khẳng định: "Khi xây dựng phương án sử dụng đất phải phù hợp với mục đích ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, quy hoạch của địa phương và giao trách nhiệm cho địa phương đúng luật đất đai. Doanh nghiệp phải quy hoạch, kê khai, có bao nhiêu mảnh đất phù hợp với ngành nghề kinh doanh hay thừa đất. Nếu thừa đất phải thu hồi về.
Diện tích phù hợp thì doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục kế thừa. Thông tin sử dụng đất này phải công khai như làm nhà xưởng, bãi đỗ xe... và cam kết không chuyển mục đích sử dụng. Đồng thời các doanh nghiệp sẽ phải trả tiền thuê đất cho các hạng mục này. Trường hợp thuế đất, hàng năm đều phải xác định lại giá đất. Bên cạnh đó, giá thuê đất trả tiền hàng năm sẽ được Nhà nước điều chỉnh sau 5 năm".
Cũng theo ông Tiến, đất chỉ trở thành đất giao khi doanh nghiệp sử dụng làm hạ tầng, làm nhà để bán, xây dựng khu đô thị.
Đồng thời, địa phương nào làm chậm quá trình cổ phần hóa sẽ đánh vào điểm năng lực cạnh tranh của địa phương. Nếu Chủ tịch tỉnh, thành phố làm chậm quá trình cổ phần hóa sẽ phải chịu kỷ luật. Ngược lại, doanh nghiệp cố tình không cổ phần hóa người đứng đầu chịu trách nhiệm, có thể thay người lãnh đạo.
Hải Yến (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.