CafeLand - Dù biết mua nhà đất giấy tay như "cầm dao đằng lưỡi" thế nhưng nhiều người vẫn lao vào bất chấp rủi ro.

Chốt lời từ tiền đầu tư cổ phiếu, Sơn - nhân viên kinh doanh tại Tân Phú quyết định dùng toàn bộ số tiền này đầu tư vào đất nền.

Với số tiền trong tay 300 triệu đồng, Sơn nhắm đến các địa bàn ven thành phố với mức giá còn khá mềm. Sau hai tuần tìm kiếm, Sơn quyết định xuống tiền mua một mảnh đất diện tích 4*13m, đường nội bộ 4m tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá 240 triệu đồng. Dĩ nhiên, mảnh đất không có sổ và người mua cùng người bán thỏa thuận chỉ bằng cách viết tay và lập vi bằng.

“Vị trí cũng không quá tệ, tiền nhàn rỗi mua rồi để đó giá lên thì bán. Nếu muốn ở thì xây nhà, người bán sẽ lo hết, đập người ta chịu” Sơn chia sẻ về quyết định liều lĩnh của mình và nói thêm rằng trước đây nhiều đồng nghiệp của Sơn đã mua ở đây và sau một năm họ vẫn bán được với giá lời từ 30-40 triệu đồng.

Thế nhưng, niềm vui chưa lâu thì Sơn đã phải mất ăn mất ngủ vì bỗng dưng đất của mình bị xây móng, chủ đất trấn an rằng chủ đất bên cạnh xây nhầm. Sơn dù đứng ngồi không yên, nhưng cũng chẳng biết cách nào để tìm được người được cho là xây nhầm để đối chất.

Người dân cần cảnh giác trong việc mua bán đất hoặc nhà ở bằng hình thức vi bằng công chứng thừa phát lại, giấy tay. Ảnh minh họa - Diệu Trang

Chuyện của Sơn không phải là hiếm hoi mà đó gần như là câu chuyện thường xuyên xảy ra với những trường hợp mua bán nhà đất không có giấy tờ, không công chứng.

Hoàng, chuyên môi giới bất động sản cho biết, hoạt động mua bán nhà đất bằng giấy tay ở các vùng ven thành thành phố vẫn diễn ra từ xưa nay và được xem là “chuyện thường ngày ở huyện”. Người mua biết rõ rủi ro khi mua nhà, đất bằng cách thức này nhưng vẫn mua.

“Phần vì họ mua để bán lại, phần vì họ mua với hy vọng rằng đến lúc nào đó chính sách sẽ mở để cho họ được cấp giấy và quan trọng nhất loại hình với giá vài trăm triệu, rất phù hợp với khả năng nên họ vẫn chấp nhận mua”, Hoàng nói.

Trước tình trạng này, đã có lần một huyện ven Sài Gòn là Hóc Môn ra thông báo kêu gọi người dân cần cảnh giác trong việc mua bán đất hoặc nhà ở "3 chung" bằng hình thức vi bằng công chứng thừa phát lại, giấy tay…

Trên thực tế, vi bằng là văn bản do cơ quan Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Văn bản này được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Trên thực tế, vi bằng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hiền, Công ty Luật TNHH ATIM, hiện nay đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng và chuyển nhượng bất động sản nói chung, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận giá trị pháp lý của bất kỳ hình thức hợp đồng chuyển nhượng nào được lập mà không được công chứng, chứng thực. Công chứng, chứng thực là điều kiện tiên quyết về mặt hình thức để một giao dịch về chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực, ngoại trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản như quy định ở trên.

Vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng được thừa phát lại lập vi bằng chưa đáp ứng đủ điều kiện về hình thức theo quy định của pháp luật. Hệ quả, hợp đồng này có thể bị tòa án tuyên vô hiệu do vi phạm về hình thức luật định. Hơn nữa, với việc lập hợp đồng được chứng nhận bởi thừa phát lại, sau này cũng không thể thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đứng tên chủ sử dụng thửa đất.

Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định “hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của các bên”.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.