Mặc dù Thông tư 13 đã được chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với tình hình hoạt động của các ngân hàng, việc giảm dần lãi suất tiền đồng theo chủ trương của Chính phủ trong những tháng cuối năm vẫn khó thực hiện.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết ông chủ trương từ nay đến cuối năm sẽ giữ mức lãi suất cho vay như hiện nay vì lợi nhuận của ngân hàng trong ba quí đầu năm quá thấp so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, mức lãi suất huy động hiện nay của ngân hàng cũng không khiến huy động tiền đồng tăng khá nên khả năng giảm tiếp lãi suất huy động tiền đồng sẽ không lớn.

Phó giám đốc chi nhánh TPHCM của một ngân hàng lớn cho biết rằng sau khi Thông tư 13 đã được chỉnh sửa theo hướng thuận lợi hơn cho các ngân hàng, khả năng lãi suất cho vay tiền đồng giảm xuống là có nhưng mức độ có thể không lớn.

Trước đó, vào tháng 9, Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc họp với các ngân hàng ở hai miền Nam, Bắc nhằm kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, mức lãi suất huy động tiền đồng được hiệp hội kêu gọi giảm xuống còn 11%/năm thay cho mức 11,2% hiện nay, bắt đầu từ 15-10.

Hiệp hội vào đầu tháng này đã gửi công văn nhắc nhở các ngân hàng thực hiện nhưng theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký hiệp hội, các ngân hàng sẽ còn phải nhìn nhau trước khi quyết định giảm lãi suất vì e ngại khách hàng sẽ bỏ đi. “Đây là cuộc họp mà các ngân hàng rất do dự khi cân nhắc lời kêu gọi từ hiệp hội”, bà nói.

Còn trong thực tế, các ngân hàng vẫn liên tục đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi như tặng quà, bốc thăm trúng thưởng… để thu hút khách gửi tiền. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, tình trạng thỏa thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng vẫn còn diễn ra.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng điều kiện cần để lãi suất tiền đồng có thể giảm thì ngoài việc chỉnh sửa một số nội dung của Thông tư 13 còn phải căn cứ vào tín hiệu lạm phát khi lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại trong những tháng cuối năm.

Lãi suất huy động đô la Mỹ và vàng đang tăng lên cũng khiến việc giảm lãi suất tiền đồng của các ngân hàng trở nên khó khăn vì sẽ khiến việc gửi tiền đồng vào ngân hàng không còn hấp dẫn nữa. Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã kêu gọi các ngân hàng giảm bớt lãi suất huy động đô la Mỹ. Theo các ngân hàng, sau khi lãi suất vàng được điều chỉnh tăng lên quanh mức 1%-2%/năm kết hợp với giá vàng tăng cao, tiền gửi bằng vàng ở các ngân hàng đã tăng đáng kể, cho thấy xu hướng chuyển dịch dạng tài sản nắm giữ của người dân.

Theo báo cáo quí 3 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện phổ biến ở mức 12-12,5%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và 12,5-13,5%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần; các loại lãi suất cho vay khác phổ biến ở mức 13-15%/năm.

Báo cáo cũng nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiền đồng vẫn chưa thể giảm xuống mức Chính phủ chỉ đạo (huy động 10%, cho vay 12%/năm) do áp lực lạm phát có xu hướng tăng, các ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn...

Báo cáo giám sát mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia gửi Thủ Tướng Chính phủ cho rằng sau khi thực hiện Thông tư 13 chỉnh sửa, vốn ra thị trường có khả quan hơn nhưng về căn bản vẫn bị hạn chế do tỷ lệ cho vay trên huy động không quá 80% đối với các ngân hàng.

Năm 2009 cho vay từ vốn huy động chiếm khoảng 96,93% toàn ngành ngân hàng, 6 tháng đầu năm 2010 khoảng từ 92,96%, và từ ngày 1-10 đến cuối năm sẽ phải duy trì dưới mức 80% theo Thông tư 13 đã chỉnh sửa. Điều này cho thấy khả năng bơm mạnh tín dụng và giảm lãi suất sẽ khó thực hiện.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland