Đà Nẵng sẽ rà soát thực tế số quỹ đất 17.000 lô "bị ém nhẹm".
Thông tin này đã được Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng đưa ra tại buổi họp báo thông tin về hoạt động địa phương quý 1/2015 vừa qua và đã được phản ảnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Nhưng theo ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, con số công bố 17 ngàn lô đất “bị ém nhẹm” trên địa bàn Đà Nẵng, là thiếu chính xác.
Ít hơn 17.000?
Báo cáo nhanh của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 20/3/2015, tổng hợp 280 dự án trên địa bàn, có 17.046 lô đất đã có thực tế đủ điều kiện giao đất xây dựng nhà ở.
Trong đó, 2.861 lô đã có quyết định phê duyệt bố trí tái định cư của UBND Đà Nẵng nhưng chưa bố trí do chủ hộ chưa bàn giao mặt bằng hoặc chưa làm các thủ tục liên quan đến giao đất.
Còn 14.185 lô chưa có quyết định phê duyệt bố trí tái định cư của UBND thành phố, thống kê theo bảng đính kèm.
Ông Võ Văn Thương cho biết, việc bố trí này kéo dài nhiều năm, thực hiện tại nhiều dự án trên địa bàn các quận huyện, do 17 đơn vị chức năng địa phương tiến hành để bố trí mặt bằng đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng.
Do số đơn vị quản lý nhiều, khối lượng dự án lớn, nên việc tổng hợp thống kê số liệu và quản lý quỹ đất tái định cư đã gặp nhiều bất cập.
Đến năm 2014, Đà Nẵng chủ trương thống nhất các đầu mối quản lý quỹ đất tập trung về Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, mới có được sự thống nhất trong thống kê và kiểm soát.
Như vậy, theo UBND thành phố Đà Nẵng, thông tin có 17 ngàn lô đất “bị ém nhẹm” trên địa bàn Đà Nẵng là không chính xác.
“Bởi các đối tượng bố trí tái định cư đều phải được UBND thành phố phê duyệt mới đủ điều kiện làm thủ tục nộp tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các đơn vị có ém nhẹm, che giấu cũng không thể tự giải quyết được”, ông Thương giải thích.
Ai chịu trách nhiệm?
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đức Thơ, thực trạng còn có đến hơn 17 ngàn lô đất tái định cư chưa bố trí cho dân, là điều không thể chấp nhận được.
“Cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân có liên quan đến trong việc để xảy ra tình trạng quỹ đất thực tế còn thừa nhiều như vậy, mà lại nợ đất tái định cư thực tế, để người dân phải thuê nhà và chờ đợi nhiều năm”.
Ông Thơ cho biết, Đà Nẵng đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả sở, ngành, các Ban Quản lý, đơn vị giải phóng mặt bằng liên quan cần nhanh chóng kiểm thảo tình hình để xác định rõ những đầu mối, cá nhân và đơn vị sai phạm.
Trước mắt, theo Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, có 3 nguyên nhân chính sẽ cần xác minh làm rõ.
Thứ nhất, do thiếu tính khoa học và chưa chuyên nghiệp trong quản lý, phối hợp giữa các đơn vị về số liệu nợ đất bố trí tái định cư thực tế và quỹ đất tái định cư.
Thứ hai, do thiếu kiểm tra thực tế tại các dự án, chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo trên giấy.
Thứ ba, do bất cập trong kiểm tra phối hợp các đầu mối quản lý quỹ đất, cùng lúc có nhiều đơn vị cùng có chức năng bố trí tái định cư.
Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu, chậm nhất trong tháng 5/2015, Đà Nẵng sẽ phải công bố chính thức kết quả công tác điều tra này, chỉ rõ những cá nhân và đơn vị sai phạm, và công bố rộng rãi cho dư luận biết.