Tại buổi họp báo công bố quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chiều 12/3, trả lời Đầu tư Chứng khoán về việc nếu chỉ số lạm phát tháng 3 tăng lên so với các tháng trước do tác động của việc tăng giá xăng, việc hạ các mức lãi suất chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước có còn thích hợp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ, lạm phát từ tháng 8/2011 trở lại đây có chiều hướng liên tục giảm, đó là điều kiện cần để giảm lãi suất. Còn điều kiện đủ để hệ thống ngân hàng thực hiện việc này là áp lực thanh khoản của hầu hết ngân hàng đã giảm đáng kể. Chính vì vậy, thời điểm này là thích hợp để giảm lãi suất.
Diễn biến của thị trường hiện vẫn theo hướng tích cực, các tổ chức tín dụng đã có nguồn vốn rẻ hơn để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Với việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động xuống 13%/năm, dự kiến lãi suất cho vay ra đối với nền kinh tế trong thời gian tới sẽ phổ biến ở mức 14,5% - 16%/năm. Thực tế, đây là mức thấp so với 1 - 2 năm gần đây, nhưng so với sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam thì mức lãi suất cho vay này vẫn là khá cao.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về ý kiến của một số chuyện gia cho rằng, hiện là thời cơ để cơ quan điều hành bỏ hẳn việc áp trần lãi suất huy động, ông Bình cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, thích hợp nhất vẫn là sử dụng các biện pháp kinh tế để điều chỉnh các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, không riêng gì Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang phải sử dụng các biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp thị trường. Khi hoạt động của nền kinh tế đi vào quỹ đạo lành mạnh hơn, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ được tính tới.
Trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan vẫn phải tiếp tục đấu tranh kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó có điều kiện để lãi suất có thể giảm trung bình 1%/năm sau mỗi quý. Việc bỏ trần lãi suất sẽ được xem xét sau vài quý nữa.