Đăng đàn trả lời kiến nghị DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định luôn phân tích rất sát sao, “cứ 10 đến 15 ngày là lại tính toán xem có thể giảm được lãi suất”. Song, ông khẳng định việc giảm lãi suất phải bền vững, tránh giật cục “nay xuống, mai lên”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trò chuyện với các đại biểu bên lề Hội nghị

Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Thái - Hội DN nhỏ và vừa Nghệ An - yêu cầu Thống đốc Nguyễn Văn Bình “cần suy nghĩ” liệu có thể giảm lãi suất hơn nữa cho DN không? Theo bà Thái, lãi suất của VN so với thế giới vẫn rất cao, khiến DN trong nước thua DN nước ngoài, không thể cạnh tranh nổi.

Bà dẫn thực trạng Nhà nước nợ DN trong xây dựng cơ bản, trong lúc các DN này phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để nộp thuế DN, nếu không sẽ bị phạt. Bà đề nghị Thủ tướng và Chính phủ cho các DN lấy tiền nhà nước nợ để gán vào đóng thuế cho DN, giúp làm bớt khó khăn cho DN, nhất là trong xây dựng cơ bản.

Trả lời kiến nghị của DN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định giảm lãi suất là mục tiêu được NHNN đặt ra trong 2 năm qua. Và, đến nay, Ngân hàng đã xác lập mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với trước. Song, để điều chỉnh lãi suất thấp hơn nữa, phải phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô.

“Vừa rồi điều chỉnh lãi suất xuống 6% là một quyết định đầy khó khăn và rủi ro với người làm quản lý kinh tế vĩ mô. Vì vốn NH là vay của nền kinh tế, vay của dân. Nếu giảm nữa, liệu dân có còn tiếp tục gửi tiền vào NH, hay sẽ đầu tư vào những lĩnh vực khác không khuyến khích, như vào USD, ngoại tệ, vàng...?” - ông đặt câu hỏi.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc giảm lãi suất phải bền vững, tránh giật cục “nay xuống, mai lên” để củng cố niềm tin của dân, của DN vào cơ chế chính sách. Ông cam kết, kinh tế vĩ mô và tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay.

Mặt bằng lãi suất sẽ ổn định và nếu có điều kiện, sẽ giảm hơn nữa, để cả năm có thể giảm từ 1,5-2% mặt bằng lãi suất cho vay. Tỉ giá ngoại tệ cũng sẽ ổn định từ nay đến cuối năm. Cho đến nay, dự trữ ngoại hối nhà nước đang ở mức cao nhất, trên 35 tỉ USD. Điều này tạo ra “vị thế và triềm năng đối ngoại của đồng VN nói riêng và trên thế giới”.

Cho đến nay, mức lãi suất trên 13% của toàn hệ thống ngân hàng chỉ còn chiếm 16% trên tổng dư nợ, tập trung vào 3 lĩnh vực: vay tiêu dùng (giúp nền kinh tế tránh tình trạng cho vay nặng lãi); bất động sản và nợ quá hạn (chưa phải nợ xấu). Mức lãi suất trên 15% chỉ còn 5% tổng dư nợ. Đây được xem là một nỗ lực lớn của ngân hàng, nếu so sánh thời điểm 15.7.2012, đến 70% dư nợ toàn kinh tế có lãi suất trên 15%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình bày tỏ “nhất trí hoàn toàn” với những đánh giá, phân tích từ các đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ, như cần xây dựng và phát huy quỹ phát triển DN vừa và nhỏ, bảo lãnh tín dụng với DN vừa và nhỏ. Thống đốc NHNN cam kết sẽ tiếp tục phối hợp để tháo gỡ.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, số dư nợ cho các DN vừa và nhỏ hiện chiếm 60% tổng dư nợ. Vì vậy, khó khăn của các DN vừa và nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt đọng của các tổ chức tín dụng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đã có nhiều văn bản, chính sách được ban hành để tháo gỡ khó khăn. Song điều quan trọng là làm sao để các cơ chế đó được triển khai đến DN.

Ông thừa nhận thực tế các NH đang rất thận trọng trong việc cho vay vốn, vì “việc cho các DN vừa và nhỏ vay chứa đựng nhiều rủi ro”. Thống đốc Bình phân tích: “Nếu không đảm bảo chất lượng tín dụng, nợ xấu lại tăng lên, trong lúc Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn nợ xấu”. Ông mong muốn, trong thời gian tới sẽ tăng cường kết nối để đảm bảo cơ chế tháo gỡ đến được với DN, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các chính quyền địa phương.

P.T.P (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.