CafeLand – Sáng nay (17/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng liên quan đến bất động sản và ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng
Vốn vào bất động sản, BOT đã giảm
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng nhà nước thời gian vừa qua kiểm soát rất chặt chẽ những dòng tín dụng vào những lĩnh vực cho vay rủi ro có thể gây bất ổn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và một số dự án BOT.
Đối với BOT, hiện nay tốc độ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này thấp hơn so với năm trước. Tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ tín dụng. Đây là mức khá thấp và nợ xấu cho vay được kiểm soát.
Về cho vay bất động sản, Thống đốc cho biết cả cấp độ tăng và tỷ trọng đã giảm. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2017, tín dụng cho vay bất động sản chiếm khoảng 7,1% và tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ chỉ khoảng 6,5%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, tín dụng cho bất động sản khoảng trên 10% và tỷ trọng cũng khoảng hơn 7%.
Bên cạnh kiểm soát tín dụng cho bất động sản, NHNN cũng kiểm soát bằng các tỷ lệ an toàn. Chẳng hạn, là việc tăng hệ số rủi ro khi cho vay tín dụng bất động sản và tôi giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Đây là những công cụ rất quan trọng để kiểm soát được tốc độ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn rất lớn cho nên hệ thống ngân hàng vẫn có thể tiếp tục cung ứng vốn cho vay những dự án nếu phương án tài chính là khả thi và các nhà đầu tư có năng lực thực sự.
Không có cơ sở về việc người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ
Trong phần chất vấn, Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng gặp câu hỏi của đại biểu Cúc (Đoàn đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu) về 3 tỷ USD "có đúng là chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà hay không?"
Trả lời vấn đề này, Thống đốc cho rằng, không có cơ sở nào cho thấy đây là con số chuyển tiền mua nhà ở Mỹ. Ông cho biết, số liệu này được các chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố thông qua việc thực hiện phiếu điều tra nên có thể là gồm cả người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ hoặc công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở các quốc gia khác và đến Mỹ mua nhà.
Theo ông, hiện có 43 dự án bất động sản với tổng số vốn đăng ký 920 triệu USD, chiếm khoảng 4,3% vốn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có 17 dự án đầu tư vào Mỹ. Đến nay, số vốn thực tế đầu tư vào Mỹ trong lĩnh vực bất động sản là 215 triệu USD. Trong năm 2017, có 3 dự án được cấp phép đầu tư vào Mỹ với vốn 15 triệu USD.
Thống đốc cho biết hiện nay NHNN đã có cơ chế kiểm soát đầy đủ chuyển tiền ra nước ngoài, xử phạt hành chính trong chính sách vi phạm chuyển tiền ra nước ngoài, hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài đều phải có báo cáo giao dịch,...
Tốc độ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn chậm
Khó xử lý nợ xấu khi tài sản đảm bảo là bất động sản
Liên quan đến việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết đến nay đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tốc độ xử lý còn chậm, chưa như mong muốn.
Theo NHNN, sau khi có Nghị quyết 42, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thuận lợi hơn khi nhiều rào cản trong xử lý nợ xấu được dỡ bỏ.
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, từ tháng 8/2017 đến nay, sau khi triển khai việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, VAMC thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.
Tính từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, tổng số nợ xấu mà VAMC đã xử lý đạt 66.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo giá thị trường.
Không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn ngân hàng
Trả lời về sở hữu chéo, Thống đốc cho biết sau khi đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất mua lại cổ phần, cơ bản tình trạng này đã được giải quyết, các ngân hàng minh bạch hơn. Ông Hưng khẳng định tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý.
Cụ thể, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012, đến nay còn 2 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% từ năm 2012 là 19 tổ chức tín dụng, hiện nay còn 4 tổ chức
Mặc dù vậy, Thông đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát với trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được.
Ngoài ra, các vấn đề nóng khác như triển khai chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội; mua ngân hàng với giá 0 đồng; giải pháp giảm lãi suất cho vay thương mại; giải pháp huy động vàng, ngoại tệ trong dân;… cũng đã được chất vấn và được trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội sáng nay.
Từ 15h00 ngày 16/11 đến 10h ngày 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 về điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tại phiên chất vấn, có 39 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đã trực tiếp trả lời chất vấn của nhiều đại biểu.
Mặc dù đây là lần đầu Thống đốc Lê Minh Hưng đăng đàn trả lời chất vấn song phần trả lời của ông Hưng được giá cao. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì phiên chất vấn sôi nổi, đại biểu đặt câu hỏi đúng, trúng vấn đề. Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Tp.HCM) nhận xét, Thống đốc đã trả lời trôi chảy, tự tin về các vấn đề được chất vấn.
Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.