16/11/2017 5:06 PM
CafeLand – Trong phiên chất vấn chiều nay (16/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có giải đáp về những chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý nợ xấu, cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng như kiểm soát dòng vốn vào các ngành có rủi ro cao như bất động sản và các dự án BOT.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) về Nghị quyết 42 trong việc xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng trong việc xử lý nợ xấu, có hiệu lực từ 15/8, NHNN đã có những giải pháp cụ thể.

Trên thực tế, do mới triển khai nên còn nhiều vấn đề còn vướng mắc như đại biểu có nêu về vấn đề tài sản còn vướng kê biên. Liên quan đến một số vụ việc nợ xấu mà các cơ quan pháp luật đang điều tra, NHNN đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng, VAMC, phải tiếp tục báo cáo, làm việc với các cơ quan chức năng để có thể xử lý kịp thời. Thời gian tới thì đây là nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện.

Một số khoản nợ xấu có hồ sơ pháp lý không đầy đủ thì chủ yếu liên quan đến các tài sản đảm bảo bằng bất động sản, hồ sơ giấy tờ đất đai. Trong quá trình thực hiện, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho các tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là vấn đề ưu tiên. Các tổ chức tín dụng sẽ phải tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, tòa án các cấp, để xử lý các tài sản sớm nhất.

Về tăng trưởng tín dụng, NHNN đã căn cứ vào nghị quyết phát triển kinh tế để xây dựng kịch bản điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 18% và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 là 13,66% cao hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2016. Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo đi kèm với chất lượng và hiệu quả tín dụng. Cơ cấu tín dụng trong 10 tháng năm 2017 tập trung vào các ngành tạo động lực cho tăng trưởng như chế biến chế tạo, nông nghiệp phát triển nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định 1058 về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2016 – 2020 với 6 nhóm giải pháp. Ông Hưng cho biết nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy là giải pháp then chốt; tiếp đó là tăng cường năng lực tài chính và quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu; tăng cường các công tác thanh tra giám sát của NHNN và nhóm giải pháp hỗ trợ đi kèm.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) chất vấn về lãi suất cho vay thương mại các dự án cao tới 11,5%/năm, dẫn đến tăng giá thành, đối với các dự án BOT, việc tăng giá thành làm tăng thời gian thu hồi vốn và tăng mức phí mà người dân và doanh nghiệp phải trả. Việc tăng giá thành nhà ở làm người dân khó tiếp cận hơn khi có nhu cầu do mức thu nhập còn thấp. Mức lãi suất cao, dòng tín dụng có xu hướng đổ vào đầu tư như BOT giao thông, bất động sản là nơi có các dự án lớn chục ngàn tỷ đồng, thời gian vay dài hạn, kinh doanh của ngân hàng ổn định. Dẫn đến các lĩnh vực đầu tư khác như nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó cạnh tranh và khó tiếp cận nguồn vốn.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh, từ 2011 – 2016, lãi suất huy động đã giảm từ 7-10%, lãi suất cho vay giảm từ 10 -11%. Góp phần giữ ổn định mặt bằng và giảm lãi suất cho vay.

Ở các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất áp dụng hiện nay chỉ khoảng 8%, những lĩnh vực bình thường khác thì khoảng 9 -10%, cá biệt có một số lĩnh vực cho vay cao và kì hạn cho vay dài thì lãi suất có cao hơn nhưng mặt bằng bình quân chung thì từ lãi suất trung dài hạn là 9 – 10%.

Vừa qua có một số ngân hàng cho vay dự án BOT, theo chỉ đạo chủ chính phủ, NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ các dòng tín dụng vào những lĩnh vực cho vay rủi ro có thể gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và một số dự án BOT.

Đối với BOT, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BOT tăng thấp hơn so với năm trước và tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm 1,5% trong tổng dư nợ tín dụng. Tức là ở mức rất thấp và hiện nay nợ xấu cũng được kiểm soát ở mức thấp.

Trong 10 tháng đầu năm, cho vay bất động sản khoảng 7,1% so với trên 10% năm ngoái. Thời gian tới, NHNN vẫn kiểm soát. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn đối với BOT, bất động sản nên ngân hàng vẫn cho vay nếu nhà đầu tư có phương án tốt, năng lực. Việc cho vay bất động sản cũng được kiểm soát bằng tỷ lệ, ví dụ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.