Sáng 11-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (xin gọi tắt là đặc khu) đối với ba đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh). Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến là chính quyền của đặc khu sẽ được tổ chức như thế nào và thời hạn thuê đất.
Có cần thiết phải cho thuê 99 năm?
Một trong những cơ chế đặc thù cho đặc khu là thời hạn thuê đất lên tới 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thời hạn này quá dài.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho hay quy định này thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu so với các khu kinh tế khác trong nước, cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
“Hơn nữa, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định” - ông Định nói và cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định này.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng không cần thiết cho thuê 99 năm. “Ngày xưa 20 năm đã là một thế hệ, nay là 30 năm, 99 năm là ba thế hệ. Trước đây, 81 năm đã là “đêm trường nô lệ” nên 99 năm có cần thiết không? Cứ theo luật 70 năm (thời hạn thuê đất), ông nào vào được thì vào” - ông Hiển nêu quan điểm.
Ông Hiển đặt vấn đề phải làm rõ ba đặc khu đem lại lợi ích gì cho quốc gia. Ông cho rằng điều cốt lõi nhất là luật này phải thể hiện được ba đặc khu này phải là động lực phát triển cho tỉnh đó, khu vực đó, kéo theo sự phát triển chung của đất nước. Cùng đó các đặc khu phải tạo được nguồn thu cho ngân sách. Nguồn thu đó không phải là từ sưu cao thuế nặng mà là sự phát triển.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu không nhất thiết phải là 99 năm mà cứ đúng theo luật là 70 năm. Ảnh: QH
Còn băn khoăn về mô hình trưởng đặc khu
Về mô hình chính quyền ở đặc khu, theo như dự thảo có ba phương án được đưa ra.
Phương án 1 là thực hiện thiết chế trưởng đặc khu, không thành lập HĐND và UBND. Phương án này có ưu điểm bảo đảm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là không bảo đảm quyền đại diện của nhân dân nên dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn về tính hợp hiến của phương án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho hay ngoài hai phương án không lập và lập HĐND, UBND, dự thảo đưa ra phương án 3 theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án, trên cơ sở sẽ lập hội đồng đặc khu và ủy ban đặc khu.
“Phương án này vừa đảm bảo tính đột phá, cũng vừa mang tính an toàn, có thể chuyển sang phương án 1 nếu thấy cần thiết” - ông Định nói. Tuy nhiên, theo ông Định cũng có một số ý kiến ủng hộ phương án 1, tức không cần lập HĐND và UBND tại đặc khu, vì đặc khu tương đương với cấp huyện đã có HĐND cấp tỉnh giám sát.
Các ý kiến tại thường vụ cũng tỏ ra băn khoăn với vấn đề kiểm soát quyền lực tại đặc khu. Về việc này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm: “Đã nói đặc biệt là phải khác và đột phá về cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Cho anh cơ chế thoáng nhưng không phải muốn làm gì thì làm, không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng có HĐND cấp tỉnh giám sát”.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, mô hình trưởng đặc khu đã áp dụng ở nhiều nước và không có vấn đề gì. Ông Dũng cho biết dự kiến sẽ bổ sung một số cơ chế giám sát như thành lập hội đồng tư vấn phản biện về những vấn đề quan trọng. Thiết lập cơ chế đối thoại với trưởng đặc khu, ngoài ra vẫn có HĐND cấp tỉnh giám sát.
Phải chọn lựa nhà đầu tư chiến lược cho đặc khu Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể chỗ nào cũng đẹp, chúng ta phải lựa chọn bàn tay tinh tú nhất, giỏi nhất để đưa vào. Phải đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển |