Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lí nhà và thị trường bất động sản cho rằng chỉ thống nhất một thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đó là kể từ khi người dân được cấp sổ đỏ. Lý giải cho việc đưa ra ý kiến này, ông Khởi cho rằng trong thời gian qua có rất nhiều tranh chấp, kiện tụng và trong hợp đồng giao dịch liên quan đến thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở. Do đó nếu quy định quyền sở hữu nhà vẫn thuộc về bên bán đến thời điểm cấp giấy, trong thời điểm đó, bên bán đã thu hết tiền khách hàng rồi. Nếu trước đó bên bán lại vướng vào vụ tranh chấp gì, mà bên thi hành án quyết định thi hành nhà đó, thì bên mua lại phải chịu thiệt.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Hoàng Sơn- Công ty Luật Vina Code cho rằng quy định ở điều 14 chưa phù hợp với quy định của các văn bản luật khác. Nên có sự thống nhất để tránh tranh chấp, để phù hợp với Luật Đất đai 2013 và phù hợp với bộ luật dân sự. Một đại diện của Công ty Luật Hợp Danh Việt Nam cho rằng quy định khoản 1 điều 14 Luật Nhà ở sửa đổi có thể gây bất lợi cho bên mua, bên thuê nhà.
Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng: Khi doanh nghiệp triển khai dự án đã phải làm hạ tầng và phải tốn rất nhiều chi phí, nếu còn phải làm sổ đỏ mới được chuyển nhượng thì phải mất 4-5 năm mới làm xong. Vì thế, không có doanh nghiệp nào chịu đợi đến có sổ đỏ mới tiến hành mua bán vì bị chôn vốn rất lâu. Lúc đó để bán đất doanh nghiệp buộc phải lách luật bằng cách ký hợp đồng hợp tác đầu tư, luật càng khó bao nhiêu thì doanh nghiệp càng tìm cách lừa dối bấy nhiêu.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Cam – Công ty TNHH Đất Luật cho rằng: Nên xác định thời điểm bàn giao quyền sở hữu là thời điểm đăng ký. Việc này rất có lợi, vì hiện nay chúng ta chưa có dữ liệu về quản lý đất đai. Nếu Nhà nước muốn đánh thuế đối với nhà bỏ không, đối với người có nhiều nhà nhiều đất, thì chúng ta chưa làm được. Vì thế việc đăng ký quyền sở hữu là điều bắt buộc để chúng ta có dữ liệu quản lý bất động sản, đồng thời đồng bộ giữa các luật.
Đại diện ban soạn thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và các chuyên gia, ban soạn thảo sẽ cân nhắc điều chỉnh trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. Dự kiến hai dự luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 11/2014.