Diễn biến VN-Index từ 3 đến 10/10/2011.
Sau phiên ngày 14/9/2011 với khối lượng giao dịch đạt kỷ lục hơn 81
triệu cổ phiếu thì những phiên giảm điểm liên tiếp ngay sau đó đã cho
thấy, dấu hiệu TTCK VN đã đạt đỉnh.
Dòng tiền đầu cơ
Đáng chú ý là giao dịch khối nhà đầu tư nước ngoài đã có tháng bán
ròng mạnh nhất từ năm 2009 trên sàn HSX với giá trị bán ròng lên tới hơn
1.000 tỷ đồng. Động thái này của khối nhà đầu tư nước ngoài không loại
trừ khả năng là sự rút vốn đồng loạt khỏi các thị trường mới nổi trong
thời gian qua trước các quan ngại về sự bất ổn trên thị trường tài chính
toàn cầu. Hơn nữa, đặc điểm chung quỹ đầu tư nước ngoài trên TTCK VN
chủ yếu hoạt động theo mô hình quỹ đóng, các quỹ tham gia trên thị
trường từ năm 2005 - 2007 sẽ kết thúc chu kỳ đầu tư, làn sóng giải thể
sẽ bắt đầu năm 2012 và cao điểm là năm 2013. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ
chỉ có hai lựa chọn là tìm đối tác để mua lại danh mục của mình hoặc bán
ra trên TTCK.
Áp lực tỷ giá
Những ngày đầu tháng 10/2011 thị trường ngoại hối đã có những biến
động mạnh, trong 3 ngày liên tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã
tăng hơn 25 đồng từ mức 20.628 đồng/USD lên 20.653 đồng/USD từ ngày
7/10/2011. Đây là mức tăng đầu tiên sau 35 phiên tỷ giá không thay đổi,
ngay lập tức các NHTM cũng đã thực hiện nâng tỷ giá USD ở cả hai chiều
mua vào và bán ra. Đồng thời trên thị trường tự do tỷ giá cũng tăng mạnh
lên mức 21.500 đồng/USD. Lý giải việc tăng tỷ giá này có thể từ một số
lý do: chênh lệch trong huy động và tín dụng ngoại (mức tín dụng ngoại
tệ tới tháng 9/2011 là trên 25% trong khi huy động chỉ đạt trên 5%).
Nguyên nhân là cho vay với VND cao nên nhiều DN đã chọn giải pháp vay
bằng USD nhằm giảm bớt chi phí lãi vay cho DN. Ngoài ra, việc các nhà
đầu tư nước ngoài bán ra mạnh cổ phiếu có thể báo hiệu một làn sóng vốn
đầu tư gián tiếp FII rút ra khỏi VN trong thời gian tới cũng góp phần
làm gia tăng áp lực tỷ giá.
Thu hẹp khoảng cách giá vàng
Trên thị trường vàng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế
đã được thu hẹp đáng kể. Bắt đầu từ ngày 6/10/2011, NHNN đã cho phép 5
ngân hàng thương mại gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank, Đông Á
và Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng ra nhằm kéo giá vàng trong
nước về sát với mức giá vàng thế giới. Kết quả là giá vàng trong nước
chỉ còn chênh so với giá vàng thế giới trên dưới 1 triệu đồng/ lượng
thay vì mức chênh từ 3-4 triệu/lượng như trước đây.
Các mức lãi suất huy động vàng đều tăng mạnh ở mọi kỳ hạn từ dưới 1% lên mức cao hơn, có nơi lên tới 2,5%/năm. Như vậy nguồn cung vàng bán ra thị trường xuất phát từ việc các Ngân hàng huy động và một phần từ việc các ngân hàng mua vàng trên các tài khoản vàng quốc tế. Căn cứ nguồn vàng huy động hiện có của các đơn vị được phép bình ổn thị trường thì khả năng giá vàng trong nước sẽ chỉ chênh lệch so với giá vàng thế giới khoảng 0,5 triệu đồng là có thể thành hiện thực.