Trước tình trạng hỏa mù thông tin về việc tiếp nhận hồ sơ, đặt mua suất căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) để ăn chênh ngày càng phổ biến. Đầu tháng 9, Sở Xây dựng đã lên tiếng cảnh báo người mua bằng thông tin nghiêm cấm hành vi thu tiền đặt cọc mua NƠXH sai quy định. Tuy nhiên, hoạt động "ngoài luồng" dạng này vẫn diễn ra với tần suất dày đặc hơn.
Tâm điểm của dòng sản phẩm NƠXH đang tập trung ở dự án tại Đồng Mô, Đại Kim, Hoàng Mai. Theo đánh giá của những người làm nghề môi giới, đây là dự án giá rẻ duy nhất còn lại trong trung tâm vành đai 3 trở vào nên được rất nhiều người tranh nhau mua.
Nửa ngày xong hồ sơ
Một môi giới của sàn giao dịch BĐS Hải Phát cho biết quy trình đăng tải thông tin nhận hồ sơ đăng ký mua NƠXH trên Sở Xây dựng hoàn toàn chỉ mang tính… hình thức. "Hiện Sở Xây dựng đăng thông báo tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký mua NƠXH Tứ Hiệp đợt 3. Tuy nhiên, trước đó bên em (sàn Hải Phát – PV) đã kết thúc bán hàng dự án từ 3 tháng trước, quỹ căn hộ đã… hết sạch. Như vậy, các chủ đầu tư mới có lợi nhuận thông qua hoạt động phân phối của các sàn, trước khi niêm yết thông tin chính thức", môi giới T nói.
Một môi giới khác tự nhận là quân số của hệ thống phân phối BĐS thuộc dạng "đông" nhân sự nhất ở Hà Nội tự tin khẳng định có thể "lo" trọn gói các vấn đề về hồ sơ đăng ký mua của khách hàng (bao gồm cả hồ sơ vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: "Anh yên tâm, hồ sơ như xác nhận thực trạng chưa có chỗ ở, KT3, hay xác nhận tham gia Bảo hiểm xã hội… em sẽ xử lý trong vòng nửa ngày là đầy đủ, hợp thức chỉ với mức chi phí 1,5 triệu đồng".
Để tăng sức thuyết phục, "bộ đôi" môi giới còn trưng ra một bộ hồ sơ đăng ký mua NƠXH đạt chuẩn (tất cả đều có con dấu xác nhận của cơ quan chính quyền lẫn đơn vị chức năng liên quan) của một khách hàng tại dự án NƠXH Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). "Chân chạy hồ sơ" này còn khoe mình có thẻ Đảng viên để gia tăng độ chắc chắn của việc xử lý hồ sơ của mình.
Tin quảng cáo rất "hoành tráng" của môi giới cho thấy độ hấp dẫn của NƠXH đối với các đơn vị phân phối.
Thậm chí, vị này còn gợi ý nếu đồng ý mua suất ngoại giao căn của các chiến sỹ Tổng Cục V (Bộ Công An) thì khách hàng chỉ cần phô-tô CMTND là xong. "Cán bộ chiến sỹ sẽ viết một giấy tay để lại căn cho khách hàng được mua theo dạng người thân trong gia đình. Sau đó, anh vào bốc thăm được căn nào thì mua căn đấy", nhân viên môi giới giải thích.
Cũng theo hai môi giới này, đất dự án là thuộc sử dụng của Tổng cục V, Handico 5 mua lại để đầu tư xây dựng. Cán bộ chiến sỹ trong lực lượng được suất, nhưng họ không mua và để lại nên mới có những suất ngoại giao như đề cập.
Chi tiết hơn về phương thức lách luật (thay vì phạm luật – lời môi giới), thông qua bàn tay nhân viên sàn, hồ sơ của khách hàng sẽ có các yếu tố được ưu tiên để được vào bốc chọn căn trong quỹ căn hộ nhất định từ chủ đầu tư. "Nên nhớ chỉ là quỹ căn (một số lượng căn nhất định: Ví dụ từ tầng 7 đến tầng 17), khi bốc sẽ có các "phím nháy" để đảm bảo chắc chắn anh bốc được căn ưng ý" – môi giới quảng cáo.
Như vậy, người muốn mua suất ngoại giao chỉ cần chuẩn bị hồ sơ. Nếu gặp khó khăn về xác nhận chỗ ở, chỉ cần liên lạc với môi giới và gửi bản phô tô CMTND là được giải quyết trong vòng chưa tới 1 ngày. Khách hàng không cần đặt cọc, tới khi vào tên/ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư thì mới phải thanh toán tiền chênh 50 triệu đồng cho người đang sở hữu suất ngoại giao. "Nói thật, bọn em chỉ được 5 triệu đồng tiền dịch vụ làm hồ sơ, thủ tục… trong số 50 triệu tiền chênh. 45 triệu đồng là người giữ suất thu về anh ạ", nhân viên môi giới than thở.
Nhận góp vốn và những chân rết
Chuyên nghiệp hơn, một môi giới khác tên M giới thiệu thuộc sàn giao dịch Phúc An, trụ sở tại Hoàng Đạo Thúy "trưng" ra một bộ hồ sơ đầy đủ liên quan tới hoạt động mua suất, góp vốn mua nhà tại dự án NƠXH Đồng Mô dành cho khách hàng tiềm năng.
Trong đó, Hợp đồng góp vốn ghi rõ rằng việc tổ chức dự án Khu nhà ở để bán cho CBCS Cục Chính trị Hậu cần – Tổng cục V – Bộ Công an được ký ba bên giữa Cục Chính trị Hậu cần, công ty Việt Thái và Handico 5, bên nhận góp vốn (công ty Việt Thái, trụ sở tại Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) có nhu cầu mời các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện Dự án. Cơ sở pháp lý của bên A, dựa trên giấy ủy quyền số 2097/B41-P1 ngày 25/7/2011 của Cục Chính trị Hậu cần – Tổng cục V ủy quyền cho công ty Việt Thái tổ chức thực hiện dự án cũng như chủ đầu tư (Handico 5) cho phép cùng tổ chức thực hiện dự án…
Tuy nhiên, theo thông tin tiếp nhận hồ sơ công khai của Sở Xây dựng Hà Nội, đầu mối nộp hồ sơ, tiến hành đăng ký chỉ nêu duy nhất là Handico 5.
Theo M, sàn Phúc An và 2 đơn vị sàn khác là 3 đầu mối bán hàng chính thức hiện nay cho công ty Việt Thái – độc quyền phân phối dự án. "Theo danh nghĩa, Handico 5 là chủ đầu tư. Tuy nhiên, đơn vị này không quyết định nguồn hàng – căn hộ. Bên em bán hàng cho công ty Việt Thái. Nếu anh mang hồ sơ trực tiếp tới công ty Việt Thái thì cũng như qua bên em – để chỉ sàn Phúc An. Giá căn hộ là 14,95 triệu đồng/m2 theo niêm yết cộng thêm tiền chênh (dưới dạng phí tư vấn bán hàng – 85 triệu đồng) mà khách hàng phải trả cho công ty Việt Thái. Anh mua thông qua bên em thì bên em sẽ có phiếu thu của Việt Thái cho anh. Nộp xong tiền chênh, nhân viên Phúc An sẽ dẫn khách hàng tới ký hợp đồng với chủ đầu tư và đóng tiền đợt 1 (20% tổng giá trị căn hộ). Việc bốc thăm và chấm điểm không quan trọng" – nhân viên Phúc An khẳng định.
  • Nhà ở xã hội: Vì sao người dân ở suốt 4 năm vẫn “dài cổ” chờ... sổ đỏ?

    Nhà ở xã hội: Vì sao người dân ở suốt 4 năm vẫn “dài cổ” chờ... sổ đỏ?

    Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) dù người dân đã về ở suốt 4 năm.

  • Cấm nhận tiền đặt cọc mua nhà ở xã hội

    Cấm nhận tiền đặt cọc mua nhà ở xã hội

    Sở Xây dựng Hà Nội vừa đưa ra văn bản hướng dẫn mua, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó có nội dung cấm các tổ chức, cá nhân được phép nhận tiền đặt cọc khi mua nhà ở xã hội.

  • Giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư khi mua nhà xã hội

    Giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư khi mua nhà xã hội

    Nắm bắt tâm lý nhiều khách hàng muốn mua nhà ở xã hội (NƠXH) nhưng lo ngại hồ sơ sẽ bị trượt do các tiêu chí chấm điểm mà pháp luật đã quy định, không ít sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đã yêu cầu khách hàng đặt cọc trước số tiền hàng chục triệu đồng để giữ chỗ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này sẽ rất nguy hiểm cho khách hàng vì có thể mất trắng một khoản tiền lớn mà không được gì.

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.