15/10/2021 2:57 PM
Trên khắp thế giới, các doanh nghiệp đang đối mặt với cùng một nỗi lo lắng: thiếu lao động. Họ cần nhân sự nhanh nhất có thể nhưng không tìm được người phù hợp.

Các hãng hàng không, nhà hàng và khách sạn tại các quốc gia không thể lấp đầy các vị trí cần tuyển dụng, khiến nỗ lực khôi phục hoạt động để đón đầu nhu cầu tiêu dùng đang trỗi dậy trở nên vô nghĩa. Nhiều công nhân đã về nhà khi đại dịch bùng nổ và không quay trở lại các xưởng đóng tàu, nhà máy hoặc công trường xây dựng, ảnh hưởng đến sản xuất và khiến các dự án bị đình trệ. Ngay cả các nhà hàng đạt sao Michelin và các ngân hàng ở Phố Wall cũng không thể thuê đủ người.

Trong tháng 4, Hoa Kỳ tuyển dụng tới 9,3 triệu lao động. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa của Mỹ đã đổ lỗi cho việc tăng cường trợ cấp thất nghiệp là nguyên nhân thiếu lao động, trong khi các nhà kinh tế cánh tả đề xuất một giải pháp đơn giản: trả lương cao hơn.

Tại Anh, số các quảng cáo tuyển người tăng 45% từ tháng 3 đến tháng 6. Các nhóm vận động hành lang đang thúc giục chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sửa đổi các quy tắc nhập cư hậu Brexit để người châu Âu có thể lấp đầy các vị trí việc làm.

Các công ty thuộc Liên minh châu Âu đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi hoạt động kinh doanh tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 15 năm. Còn các nhà lãnh đạo của Singapore và Australia đang chịu áp lực nới lỏng các hạn chế đi lại để lao động nhập cư có thể quay trở lại.

Andrew Hunter, đồng sáng lập của công ty Adzuna, cho biết: “Công việc đầy rẫy trên thị trường, nhưng không ai thực sự nộp đơn ứng tuyển”.

Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong ngành khách sạn và ăn uống. Các nhà hàng Darden, chuỗi Olive Garden, Chipotle và McDonald's đang tăng lương để thu hút nhân viên mới. Thậm chí chuỗi nhà hàng Caravan ở London còn đang thưởng tiền cho người giới thiệu nhân sự.

Anh: Hậu quả của Brexit kết hợp với Covid-19

Công ty P.D.Hook, chuyên cung cấp một phần ba số gà được bán tại Anh, đang thiếu khoảng 40 công nhân tại trang trại, gấp đôi số lượng bình thường. Tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải tầm trọng cũng gây khó khăn cho công ty trong việc vận chuyển gia cầm đến các nhà máy để cắt, chia phần và đóng gói sản phẩm hay tại các nhà máy chế biến sau đó. P.D. Hook đã phải cắt giảm sản lượng 10% để giúp các nhà chế biến thịt đối phó với tình hình khó khăn.

Hook, CEO của P.D.Hook cho biết: “Mọi thứ kết hợp với nhau thật hoàn hảo vào đúng thời điểm mà nhu cầu tiêu dùng tăng lên”.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại Anh (BCC) vào hôm thứ Tư, cứ 8 trong số 10 doanh nghiệp thuộc danh sách hơn 5.600 doanh nghiệp được khảo sát đang vật lộn để tuyển được người lao động. Họ đã tăng lương nhưng vẫn không thể tuyển được người. Số lượng lao động giảm mạnh nhất trong lĩnh vực ăn uống và khách sạn, với 92% các công ty khó khăn khi tuyển dụng.

Ngoài ra, Anh cũng cần thêm hàng chục nghìn tài xế xe tải, cũng như những người bán thịt tại các nhà máy chế biến thịt và lao động tại các công trường xây dựng.

Iain McIlwee, người đứng đầu nhóm các doanh nghiệp chuyên lắp đặt trần, tường và tấm ốp, cho biết hơn 60% thành viên của nhóm lo lắng về vấn đề nhân sự trong mùa hè bận rộn vừa qua.

Jane Gratton, người phụ trách các vấn đề về chính sách nhân sự của nhóm vận động hành lang kinh doanh, cho biết: “Rõ ràng là tình trạng thiếu nhân sự đang ngày càng trầm trọng, tác động đến đà phục hồi và tăng trưởng của các nhà sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Nếu chính phủ không hành động, các công ty sẽ phải đối mặt với khó khăn cực độ trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và khách hàng sẽ không có đủ hàng hóa và dịch vụ cho mùa đông”.

Vấn đề này là kết quả của cả đại dịch và Brexit, khi các công ty không có nhân sự nước ngoài để lấp đầy các vị trí tuyển dụng đang cao kỷ lục. BCC đã kêu gọi chính phủ cấp thị thực ngắn hạn cho người nước ngoài làm việc trong các ngành đang bị thiếu hụt lao động trầm trọng.

Sự kết hợp giữa tình trạng thiếu lao động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang đẩy vật giá lên cao, làm tăng chi phí sinh hoạt và tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Mỹ: Lượng lao động bỏ việc đạt kỷ lục, nhiều người muốn có thời gian làm việc linh hoạt

Tại Hoa Kỳ, 4 triệu người đã bỏ việc trong tháng 4, trong đó có 649.000 nhân viên bán lẻ. Bộ Lao động Mỹ vào tháng 6 cho biết, các công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển đủ người dù có hơn 8 triệu người không có việc làm.

Một cuộc khảo sát gần đây của EY với hơn 16.200 nhân viên trên toàn cầu cho thấy hơn một nửa sẽ cân nhắc từ bỏ công việc sau đại dịch nếu không có sự linh hoạt về địa điểm và thời gian làm việc.

Theo nhà cung cấp các dịch vụ việc làm Manpower Group, các doanh nghiệp Mỹ thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp đều đang có kế hoạch tuyển dụng ở mức cao nhất trong vòng mười năm qua để đưa người lao động trở lại sau đại dịch. Khảo sát của Manpower được thực hiện với 45.000 nhà tuyển dụng trên khắp thế giới.

CEO Jonas Prizing của ManpowerGroup cho biết: “Sự phục hồi kinh tế kiểu này chưa từng xảy ra. Kế hoạch tuyển dụng đang được triển khai nhanh hơn nhiều so với cuộc suy thoái trước đó”.

Người lao động đã đi đâu?

Đại dịch gây ra một cú sốc chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu, khiến hàng chục triệu người mất việc làm và nhiều người khác phải di dời, thị trường việc làm sẽ không bao giờ còn như cũ. Nhân sự có trình bộ và được đào tạo bị mắc kẹt ở những nơi khác. Những người khác đã nghỉ hưu sớm, hoặc không muốn quay trở lại làm việc khi phải đối mặt với những lo ngại về sức khỏe kéo dài, hoặc gặp khó khăn trong việc tìm người giữ trẻ.

Nền kinh tế đang phục hồi cũng có vẻ khác so với trước đây. Nhu cầu cao hơn ở một số ngành và thấp hơn ở những ngành khác. Người lao động đã rời bỏ các công việc để tìm những vị trí ít có khả năng nhiễm Covid-19, không bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa mới, hoặc mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn.

Một vấn đề nữa là: Các công việc đang cần nhân sự không phù hợp với lực lượng lao động tại chỗ hiện có. Đại dịch đã khiến nhiều người rời khỏi thành phố. Những sinh viên thường được thuê để làm các công việc tại khách sạn ở New York hay London vẫn đang ở nhà hoặc đang cân nhắc chuyển hẳn ra ngoại ô.

Tốc độ không đồng đều trong việc nới lỏng các hạn chế cũng đã khiến một số công nhân chuyển đến nơi ở mới. Sandra Warden, giám đốc điều hành tại Dehoga, đại diện cho lĩnh vực khách sạn của Đức, cho biết ngành này đã mất nhân công vào tay Áo hoặc Thụy Sĩ, nơi các nhà hàng đã mở cửa trở lại trước đó.

Theo Nilim Baruah, một chuyên gia về di cư tại Đông Nam Á thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế, thì những giới hạn khắt khe đối với việc đi lại giữa các nước cũng đang khiến các quốc gia như Singapore, nơi lao động nhập cư chiếm khoảng 38% lực lượng lao động, chịu thiệt hại.

Tháng trước, Bộ Nhân lực Singapore thừa nhận rằng chính quyền thành phố "không thể thay thế thỏa đáng những người đã rời Singapore" vì các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Hoạt động cảnh từ Nam Á vào Singapore đã hoàn toàn tạm dừng vào tháng Năm.

Sembcorp Marine, một công ty có trụ sở tại Singapore vận hành các nhà máy đóng tàu, đầu tháng này cho biết họ đang xem xét các chiến lược tuyển dụng mới để không ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.

Các doanh nghiệp Australia cũng phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nhân sự, một phần là do các biện pháp kiểm soát biên giới khắt khe. Cục Thống kê Australia tuần trước cho biết 27% doanh nghiệp Australia “đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên phù hợp”. Theo khảo sát của họ, 74% cho rằng nguyên nhân là do thiếu người nộp đơn, trong khi 32% chỉ ra là do đóng cửa biên giới.

Bao giờ cỗ xe lao động quay lại đúng đường ray?

Một số vấn đề có thể chỉ là tạm thời. Ví dụ, những người lao động nhập cư ít có cơ hội việc làm ở quê nhà sẽ quay lại các thị trường như Singapore khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và các hạn chế giảm bớt. Điều này tương tự với những người lao động có tay nghề cao hơn.

Nhưng ở một số nơi, tình trạng thiếu hụt nhân công có thể trở nên khó cải thiện hơn. Vào cuối năm 2019, có ít nhất 2,3 triệu công dân châu Âu đang làm việc tại Anh, theo ước tính từ Văn phòng Thống kê Quốc gia. Nhưng khi đại dịch xảy ra, nhiều người đã về nước và khó quay trở lại vì chính phủ Anh đã đưa ra các quy định mới về thị thực sau Brexit.

Về mặt lý thuyết, những công nhân được tuyển dụng gần nhà hơn có thể lấp đầy một số vị trí trống. Nhưng việc đào tạo sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều, đặc biệt là sau khi quá trình học tập tại chỗ bị gián đoạn bởi Covid-19. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính trong một báo cáo gần đây rằng các cơ hội đào tạo tại nơi làm việc giữa các nước thành viên OECD giảm trung bình 18% trong thời gian ngừng hoạt động trên diện rộng.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Đường bộ của Anh cho biết ngành công nghiệp này đã mất 15.000 lái xe ở châu Âu kể từ tháng Giêng, dẫn tới việc hủy bỏ 30.000 bài kiểm tra lái xe vào năm ngoái do giãn cách xã hội.

Bỏ làm thuê về làm chủ

Ngoài các vấn đề kể trê, đại dịch đã thúc đẩy những thay đổi lớn hơn trên thị trường lao động, khi mọi người xem xét lại về công việc mà họ mong muốn cống hiến và các điều kiện đi kèm.

Theo Warden of Dehoga, nhiều nhân viên khách sạn ở Đức đã chuyển sang các ngành ít có khả năng phải đóng cửa trong tương lai, chẳng hạn như chuỗi tạp hóa Aldi và Lidl. Những người khác đã nhận việc tại các trung tâm phân phối và giao hàng, nơi cần nhiều nhân công hơn nhờ sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến.

Một cuộc khảo sát hồi tháng 1 với hơn 31.000 nhân viên toàn cầu do Microsoft ủy quyền thực hiện cho thấy hơn 40% số người được hỏi đang cân nhắc rời bỏ công việc đang làm trong năm nay. Mọi người cũng đang bắt đầu kinh doanh riêng. Tại Hoa Kỳ, 2,5 triệu đơn đăng ký kinh doanh mới đã được nộp vào năm 2021 tính đến tháng Năm. Giờ đây, điều quan trọng nhất với người lao động là sự linh hoạt về điều kiện làm việc.

Trong khi đó, một số người đã bỏ việc hoặc bị buộc thôi việc khi đại dịch diễn ra. Và họ sẽ không bao giờ quay trỏ lại. Ước tính có khoảng 1,1 triệu người lớn tuổi đã rời khỏi lực lượng lao động của Mỹ từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách vẫn lo ngại về sự thay đổi nhân khẩu học trong những thập kỷ tới, lưu ý rằng sẽ không có đủ lao động trẻ hơn để thay thế những người lớn tuổi về hưu. Tháng trước, Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con, một nỗ lực nhằm giải quyết tỷ lệ sinh giảm có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

Trong một báo cáo vào đầu tháng này, Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết sẽ có ít hơn 95 triệu người trong độ tuổi lao động ở châu Âu vào năm 2050 so với năm 2015. Quá trình tự động hóa cũng như tăng cường sự tham gia của phụ nữ hoặc lao động lớn tuổi trong lực lượng lao động sẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách này. Thay vào đó, châu Âu nên tập trung vào việc tăng cường lao động nhập cư, có thể là từ châu Phi.

Chìa khóa để thu hút lao động trở lại

Chỉ khi lao động quay trở lại, nền kinh tế mới có đủ điều kiện để phục hồi. Tình trạng thiếu nhân sự sẽ khiến các công ty buộc phải tăng lương để thu hút nhân tài. Nhưng bức tranh lương thưởng lại rất khác biệt giữa các quốc gia.

Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư, một nhóm vận động ở Singapore, cho biết rằng lao động nhập cư tại đây thường không được trả lương cao và đang làm việc 14 đến 16 giờ mỗi ngày để hoàn thành công việc với số lượng nhân sự ít hơn. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Hoa Kỳ, nhu cầu về lao động đang khiến một số nhân viên chiếm ưu thế trong khi đàm phán lương, phúc lợi và điều kiện làm việc.

Joe Doiron, Giám đốc phát triển nhân sự tại Văn phòng Cơ hội Việc làm và Lao động của New Hampshire, cho biết: “Đây đang là là thị trường có lợi cho những người tìm việc. Ngoài tiền thưởng khi tham gia vào công ty hay tiền thưởng giới thiệu nhân sự, nhiều doanh nghiệp còn cho phép lao động có thời gian làm việc linh hoạt”.

Nick Allen, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà chế biến thịt của Anh, cho biết các công ty trong lĩnh vực của ông đang phải trả nhiều hơn ít nhất 10% để tuyển được nhân sự.

Nhưng tăng trưởng tiền lương cũng là một thành phần chính của lạm phát. Paul Dales, nhà kinh tế trưởng của Anh tại Capital Economics, cho biết: “Nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài trong một thời gian dài hoặc trở nên phổ biến, tăng trưởng tiền lương nhanh có thể khiến lạm phát tăng lên”.

Chủ đề: Kinh tế thế giới
Lam Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.